Multimedia Đọc Báo in

Lập hồ sơ "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

10:49, 23/08/2023

Bảo tàng Đắk Lắk đang lập hồ sơ "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

"Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan, được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong 2 năm (2021 - 2022) tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp).

Hố khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được phát hiện đầu năm 2020, khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 đến tháng 4/2021; lần thứ hai từ tháng 11/2021 - 5/2022. Tại các đợt khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2 mét, bên trong chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen cùng nhiều di vật như: bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá.

Các nhà khảo cổ đã thu thập được một khối lượng di tích, di vật phong phú như: rìu bôn đá, đồ gốm, đồ thủy tinh, mộ táng, hơn 1.000 mũi khoan đá các loại và hàng vạn mảnh tước nhỏ. Đặc biệt, qua sàng đãi đã phát hiện thêm mũi khoan và các phác vật bằng các loại đá như: opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước.

Những mũi khoan khai quật được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Việc phát lộ hàng nghìn mũi khoan đá cùng hàng nghìn chuỗi hạt thủy tinh được chế tác tinh xảo và những tín hiệu của hoạt động chế tác quy mô lớn; bước đầu có thể cho thấy khu di tích khảo cổ học Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác quy mô lớn cách ngày nay 2.000 - 3.500 năm, thuộc giai đoạn Hậu kỳ Đá mới, có niên đại khoảng 4.000 - 3000 năm cách ngày nay.

Tháng 6/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật, thành phần gồm lãnh đạo Sở VHTT&DL, Bảo tàng Đắk Lắk và các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu ở Việt Nam.

Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia thảo luận. (Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk)

Vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức buổi họp Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Qua buổi làm việc, Hội đồng đã tư vấn, đóng góp nhiều ý kiến; Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục chỉnh sửa thông tin hồ sơ hiện vật để phù hợp với các tiêu chí đề nghị công nhận bảo vật quốc gia và thống nhất đưa "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. 

Trên cơ sở đó, Sở VHTT&DL sẽ tiến hành lập hồ sơ và trình UBND tỉnh xem xét đề nghị Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận. Các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia căn cứ theo Luật Di sản văn hóa.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.