Du lịch âm nhạc: Nhìn từ cao nguyên
Cơn sóng nhạc Black Pink vừa bùng nổ ở Hà Nội vào đêm cuối tháng 7/2023 tiếp tục được nhìn nhận bởi giới truyền thông, liên quan vấn đề du lịch âm nhạc, một lựa chọn phát triển du lịch mới trong bối cảnh hội nhập văn hóa ngày một sâu sắc. Một người bạn yêu âm nhạc Tây Nguyên đặt câu hỏi, vì sao không thể có những cơ hội tương tự, ở vùng đất cao nguyên hùng vĩ này?
Ý kiến của người bạn trẻ không phải không có lý. Bởi đã từng có những tháng ngày, hoạt động âm nhạc nước nhà sôi động với âm thanh tráng ca đến từ vùng núi cao nguyên. Tên tuổi những nghệ sĩ Y Moan, Siu Black thường xuyên được xướng to giữa những quảng trường đầy ánh sáng, những sân khấu ken đặc người. Không ít thế hệ thanh niên yêu âm nhạc say sưa “Đi tìm lời ru nữ thần Mặt trời”, khát khao “Anh muốn sống bên em trọn đời”, thủ thỉ “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”…
Những tiếng hát tầm cao
Tại không ít hội diễn văn nghệ toàn quốc và các tỉnh thành lớn của cả nước, khi những ca sĩ gốc Tây Nguyên trình bày những giai điệu của mình, tất cả giám khảo đều thừa nhận tông nhạc, giọng hát vang lên đều rất mạnh mẽ, rõ ràng thanh điệu và cuốn hút. Những phong cách biểu diễn thật sự phóng khoáng, tự nhiên, có phần nào hoang dã của các ca sĩ Tây Nguyên thật sự hấp dẫn khán giả. Tất cả là những lợi thế mà con người và tính cách cao nguyên có được, vượt xa suy nghĩ của nhiều người và tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho bất kỳ ai được thưởng thức.
Ảnh minh họa: Ama Phong |
Hỗ trợ thêm cho những chất giọng độc đáo và mạnh mẽ ấy, phải thừa nhận, các nhạc sĩ, nhất là những người có bề dày sáng tác gắn liền với môi trường văn hóa Tây Nguyên, có những rung động thực thụ với những mảnh đất, cánh rừng nơi đây, nên đã có những sáng tác độc đáo và ấn tượng, miêu tả chân thực, xác đáng những vấn đề, cung bậc và nội dung thể hiện về tâm hồn Tây Nguyên, về tính cách, tình cảm của những con người rừng núi đại ngàn. Những bài hát, bản nhạc mang âm hưởng đại ngàn thật sự vượt xa những cung bậc mềm mại, luyến láy nhẹ nhàng vùng đồng bằng hay đô thị, để hướng đến những biểu hiện thăng hoa hơn, khúc chiết hơn, đặt ra những tình huống, câu chuyện, suy nghĩ rất lạ lẫm và lôi cuốn. Để khi những ca sĩ Tây Nguyên cất tiếng hát mạnh mẽ, chính những lời ca, giai điệu ấy lại thực sự tỏa sáng.
Ước mơ du lịch âm nhạc
Rõ ràng đối chiếu với những câu chuyện bi hùng hay thắm thiết trên vùng đất đỏ bazan, với những khung cảnh âm nhạc sôi nổi của giới trẻ hiện nay, ai cũng có thể cảm thấu được sự tương đồng. Những vũ điệu rực rỡ trong ánh lửa không mấy khác biệt những tiết mục vũ đạo hoành tráng mà các “công chúa” nhạc pop hay “hoàng tử” nhạc rock cố gắng thể hiện. Ngay với những bản nhạc, tiết tấu thô mộc nhất theo các cung bậc acoustic trên các sàn diễn thời thượng, khán giả cũng có thể bắt gặp bóng dáng những tiếng chiêng, tiếng trống, của những nhạc cụ cổ điển bằng gỗ, đá, tre… từ nơi có những con thác dội ầm ào.
Một nhạc sĩ trẻ miền Trung tâm sự, lắng nghe những bản nhạc truyền thống Tây Nguyên và tìm hiểu những tác phẩm mới trong dòng chảy âm nhạc đương đại, những người sáng tác như anh thật sự thích thú và thán phục trước những âm hưởng độc đáo, gay cấn mà mê mệt trong bản sắc âm nhạc cao nguyên. Do đó, nếu các sân khấu Tây Nguyên được nghiên cứu kỹ hơn, có được các kịch bản biểu diễn, dàn dựng đúng chất hơn, hiệu quả đem lại cho khán giả là không thể đo đếm được. Cái thiếu của âm nhạc miền cao, có lẽ chỉ là thiếu những nhà đạo diễn đủ tâm, đủ tầm để mạnh dạn khai thác những dữ liệu, căn cơ trọng yếu, từ đó dám phá bỏ đi những định kiến, rào cản tâm lý “hay dở”, thực sự biến thành những sân khấu hoành tráng và hoàn hảo hơn. Cái thiếu của những sàn diễn âm nhạc Tây Nguyên, cũng còn ở công tác tổ chức, làm sao hội tụ, bồi dưỡng, chọn lọc được đúng những tài năng âm nhạc trẻ, tạo bước đệm nhảy tích cực để các tài năng đó được thi thố và tỏa sáng. Khi tổ chức, dàn dựng được những chương trình biểu diễn xứng đáng này, chắc chắn âm nhạc Tây Nguyên sẽ trở thành một “món ăn” cực kỳ hấp dẫn với công chúng.
Đối chiếu những tiềm năng, thực lực đó, với các hiện trường sâu khấu hiện đại, nơi những câu chuyện như Black Pink được vinh danh, có thể thấy thấp thoáng một cơ hội. Đó là nếu thực sự được đầu tư dàn dựng, tập trung tổ chức, lọc ra được những chất liệu và cá tính diễn xuất đậm đà phong cách Tây Nguyên, các sân khấu cao nguyên sẽ có cơ hội được lan tỏa, và phải chăng, mở ra tiền đề để thay đổi thực trạng du lịch âm nhạc tương lai? Tại sao những nghệ nhân, nghệ sĩ Tây Nguyên nồng nàn tình yêu với vùng đất hùng vĩ này, lại không thể mạnh dạn đối diện câu hỏi, bao giờ họ và các tác phẩm táo bạo chốn đại ngàn được công diễn trước đông đảo công chúng đô thị lớn, tiếp cận để làm say mê những thế hệ trẻ hôm nay, bổ sung thêm những “thần tượng mới”, chân thật gần gũi ở cạnh những danh sách quốc tế và khu vực? Câu hỏi ấy, thật sự đáng được quan tâm, từ chính những nhà quản lý và làm văn hóa Tây Nguyên.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc