Multimedia Đọc Báo in

Miệt mài bên khung dệt

08:04, 11/09/2023

Từ khi xây dựng gia đình, theo chồng về buôn Chàm B (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) năm 2013 đến nay, chị H Nga Hlong (dân tộc Êđê, tên thường gọi Amí Ne Ri) vẫn ngày ngày cần mẫn ngồi vào khung dệt để dệt váy áo cho gia đình và mong muốn duy trì được nghề dệt truyền thống của buôn làng.

Sinh ra và lớn lên tại xã Yang Reh (huyện Krông Bông), chị H Nga biết dệt thổ cẩm từ năm lên 10 tuổi. Trước đây, mỗi khi thấy mẹ ngồi dệt vải, chị H Nga thường đứng nhìn, ghi nhớ chi tiết từng công đoạn dệt, từ việc lên khung, xếp sợi, chọn màu, pha màu, cách trang trí họa tiết, hoa văn, cách luồn sợi… và rồi chị biết dệt khi nào không hay. Ở tuổi 15, chị đã thành thạo và có thể tự dệt, cắt, may những chiếc váy, áo thổ cẩm với nhiều họa tiết phức tạp, chạy những dòng chữ, mảng màu trên váy áo, khăn, túi xách...

Chị H Nga bộc bạch: “Gia đình mình có 7 chị em gái nhưng ngoài mình ra, trong nhà không có ai thích và không người nào theo nghề dệt thổ cẩm của mẹ. Học dệt thổ cẩm thực ra không khó, song không phải ai cũng học được. Ngoài tính kiên trì, tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo, sáng tạo thì người học phải thực sự yêu thích, có lòng đam mê nghề dệt mới học và dệt được những tấm thổ cẩm đẹp”.

Chị H Nga (bên phải) ngày ngày vẫn dệt váy áo dùng trong gia đình và bán cho khách hàng trong buôn.

Chị H Nga dệt thổ cẩm suốt từ thời con gái cho đến khi lấy chồng và theo chồng về sinh sống tại buôn Chàm B, xã Cư Drăm. Sản phẩm chị làm ra không chỉ dùng trong gia đình mà còn được nhiều người trong buôn ưa thích, đặt hàng. Kể cả những khi không có người đặt mua, chị vẫn tranh thủ lúc nhàn rỗi việc ruộng nương miệt mài bên khung cửi, dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp. Chị H Nga tâm sự: "Mình vẫn giữ nghề dệt là vì yêu thích, đam mê, vì "nghiện" chứ không nghĩ nhiều về thu nhập từ nghề dệt. Mỗi khi xa khung dệt mình cảm thấy nhớ. Chỉ những người có lòng đam mê, yêu nghề mới giữ nghề được”.

Vài năm về trước, trong các buôn làng của xã Cư Drăm cũng còn một số nghệ nhân duy trì được nghề dệt. Do những nghệ nhân này đã mất, một số nghệ nhân còn lại giờ cũng đã già, không còn ai gắn bó với khung dệt, lớp trẻ thì không mặn mà. Hiện nay, ngoài chị H Nga Hlong thì không còn ai duy trì nghề dệt. “Dù thế nào tôi cũng cố giữ nghề dệt bởi ngoài đam mê ra thì còn mong muốn tha thiết là không để nghề truyền thống của ông bà bị mai một, mất đi” - chị H Nga trải lòng.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.