Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa âm vang tre nứa từ “triết lý” giáo dục mới

08:57, 29/10/2023

Trong không gian rất đỗi bình yên của buôn Ea Kmar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), ngày chủ nhật nào cũng rộn rã âm vang tiếng ching kram, đing tút và ching pơng do nhóm học sinh Trường THCS Ea Bhôk chế tác và trình diễn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Êđê ở đây.

Như một cơ duyên

Để âm vang ấy được cất lên và lan tỏa khắp vùng, câu chuyện bảo tồn, phát huy vốn âm nhạc truyền thống của các tộc người bản địa bắt đầu từ dự án/mô hình giáo dục có tên gọi “Dạy học gắn liền với bối cảnh văn hóa, xã hội” do ThS. Nguyễn Thị Thanh Phương (giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên) phối hợp với nghệ sĩ Nguyễn Trường (nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk) triển khai trong gần hai tháng qua.

ThS. Thanh Phương chia sẻ: Cô là giảng viên bộ môn vật lý và hiện đang làm nghiên cứu sinh với đề tài nói trên. Dưới góc nhìn khoa học vật lý, nói cho dễ hiểu rằng mọi tần sóng âm thanh phải được “đo đếm” một cách chuẩn xác nhằm văn bản hóa thành cơ sở lý luận phục vụ cho việc chế tác các loại nhạc cụ nói chung, trong đó có chiêng, sáo, đàn, kèn, tù và… vô cùng độc đáo của nhiều tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Từ xưa đến nay, họ chế tác ra các loại nhạc cụ truyền thống này theo kinh nghiệm truyền đời, chứ không dựa vào cơ sở khoa học và lý luận nào cả. Đó là điều vô cùng đặc biệt khiến cô phải tìm hiểu qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của thầy giáo - nghệ sĩ Nguyễn Trường.

Nhóm học sinh Trường PTCS Ea Bhôk, huyện Cư Kuin thực hành chế tác nhạc cụ tre nứa dưới dự hướng dẫn của ThS. Thanh Phương (bìa phải).

Muốn thực chứng vấn đề này thì nhất thiết phải thể nghiệm từ chủ nhân của vốn âm nhạc dân gian kia, và cả hai đã chọn buôn Ea Kmar - nơi có hầu hết học sinh người Êđê theo học tại Trường THCS Ea Bhốk để thực hiện. Cô giáo Thanh Phương tâm sự: Cũng cần nói thêm về sự chọn lựa này, là bởi cô có người em gái dạy ở điểm trường trên nên biết các em rất khát khao muốn được tiếp xúc và thực hành nhạc cụ tre nứa của cha ông sáng tạo nên. Nhờ vậy dự án/mô hình trên được triển khai nhanh chóng và thuận lợi.

Chỉ chưa đầy hai tháng, dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ sĩ Nguyễn Trường cùng cô Thanh Phương, nhóm học sinh hơn 30 em ở đây đã nắm bắt cơ bản kỹ năng chế tác và trình diễn các nhạc cụ ching kram, đing tút và ching pơng và một số nhạc cụ mang màu sắc truyền thống bằng tre nứa của dân tộc mình.

Hướng đến nền giáo dục vì sự phát triển bền vững

Nghệ sĩ Nguyễn Trường nhìn nhận: Dường như trong máu thịt các em đã có sẵn tố chất đặc biệt, vượt trội để tiếp thu, lĩnh hội vốn âm nhạc truyền thống đặc sắc ấy. Từ chỗ được xem là “vùng trắng” về trình diễn các loại nhạc cụ tre nứa của tộc người Êđê, chỉ sau thời gian ngắn làm quen và thực hành thì âm vang từ ngàn xưa đã cất lên sinh động giữa buôn làng dưới đôi bàn tay thuần thục của nhóm học sinh buôn Ea Kmar. Nhìn các em H’Zen Buôn Krông, H’Châu Niê, Y Thi Êban cùng nhiều bạn đồng trang lứa say mê chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ ấy, ai cũng có cảm giác rằng mạch nguồn văn hóa truyền thống ở đây đã sống lại và trở về với đời sống cộng đồng. Hơn thế, mọi người còn hy vọng đây là những “hạt nhân” đầu tiên góp phần khơi dậy và lan tỏa dòng chảy âm nhạc dân gian Êđê tưởng chừng như đã quên lãng trong đời sống hiện đại ngày nay.

ThS. Thanh Phương trải nghiệm các công đoạn chế tác nhạc cụ ching kram (chiêng tre) tại buôn Ea Kmar trong những lần đến với nhóm học sinh của mình.

Với cô giáo Thanh Phương, điều có ý nghĩa hơn là qua dự án, mục đích bảo tồn văn hóa và nâng cao trách nhiệm trước cộng đồng đã từng bước được thực chứng một cách cụ thể, sinh động. Theo cô, ý nghĩa (nội dung) của luận án - nhìn từ góc độ khoa học vật lý được nghiên cứu qua đối tượng là âm thanh của các loại nhạc cụ tre nứa ở đây không quan trọng bằng tìm ra và chứng minh cho được mô hình, hay nói đúng hơn là xu thế “giáo dục vì sự phát triển bền vững” dựa trên mô hình dạy học gắn liền với bối cảnh văn hóa, xã hội được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Muốn có một nền giáo dục vì sự phát triển bền vững thì bất kỳ quốc gia, dân tộc nào cũng phải hướng đến việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của mình. Bởi trong bối cảnh văn hóa, xã hội được gìn giữ (đồng thời với nỗ lực kế thừa, phát huy và sáng tạo cũng như chọn lọc, tiếp nhận những giá trị mới mẻ, tiên tiến của nhân lọai) thì giáo dục mới trở thành động lực phát triển đích thực và bền vững.

Qua cách làm của mình, từ thực tiễn đến lý luận khoa học được văn bản hóa thành chương trình/giáo án giảng dạy trong nhà trường các cấp, ThS. Thanh Phương hy vọng sẽ cùng với những đồng nghiệp khác góp phần đưa mô hình (xu thế) giáo dục trên vào đời sống đương đại với mục tiêu hội nhập, phát triển cùng nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc