Xây dựng văn hóa đô thị gắn liền tập tục cộng đồng
Quá trình hình thành những khu đô thị mới ở các địa phương luôn gắn cùng những yêu cầu xây dựng nếp sống văn hóa thị dân. Làm sao hài hòa và phát huy được những giá trị tốt đẹp, lạc quan giữa nếp sống truyền thống và phong cách sinh hoạt mới, nhất là ở lớp trẻ là vấn đề không đơn giản, chỉ có thể giải quyết bằng quan hệ hợp tác của cả cộng đồng cư dân đô thị.
Các chuyên gia đô thị đã từng thừa nhận, mỗi đô thị luôn gắn với một vùng đất, có những quy tắc xã hội và tập tục nhất định. Đô thị nào càng sâu sát cuộc sống cư dân, tôn vinh và bảo vệ những tập tục tốt đẹp trong cộng đồng, đô thị đó càng có nhiều cơ hội để hưng thịnh mạnh mẽ.
Duy trì văn hóa truyền thống
Mới đây, Ban Quản lý dự án khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) phối hợp chính quyền địa phương và Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk tổ chức ngày hội Trung thu cho gần 300 cháu thiếu nhi là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, cùng con em các thành viên môi giới bất động sản thuộc Hiệp hội. Những đứa trẻ được tham gia một hoạt động cộng đồng theo nếp văn hóa truyền thống như phá cỗ Trung thu, rước đèn, thưởng bánh, xem các tiết mục văn nghệ và hoạt náo… Các bậc cha mẹ đi cùng đều biểu lộ sự hài lòng khi con cái họ thật sự hứng khởi, thích thú, và qua đó tô đậm thêm ý nghĩa lễ hội trăng tròn truyền thống trong nhận thức của bọn trẻ.
Ông Đoàn Tấn Ninh, Trưởng Ban Quản lý dự án khu đô thị Ân Phú chia sẻ, lễ hội Tết Trung thu này chỉ là một trong những hoạt động thường xuyên được quan tâm của doanh nghiệp. Công ty luôn nhấn mạnh những mục tiêu bền vững về xây dựng quan hệ cộng đồng, tạo dựng những quần thể cư dân hòa hợp, văn hóa và có sinh kế. Suốt 8 năm qua, thực hiện dự án đầu tư khu đô thị Ân Phú tại TP. Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp luôn đồng hành với chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn cùng người dân, làm các sự kiện văn hóa truyền thống bản địa, những phần việc sinh hoạt theo tập tục truyền thống, lễ, Tết… Qua đó, doanh nghiệp góp phần củng cố những giá trị văn hóa tại địa phương, xây dựng đời sống văn hóa đô thị cho quần thể cư dân sở tại. Từ những lễ thiếu nhi, lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán, cho đến các sự kiện mừng Quốc khánh, kỷ niệm thống nhất đất nước…, Công ty Ân Phú luôn sẵn sàng cùng chính quyền địa phương thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng, nối kết chia sẻ những cảnh đời bất hạnh và quan trọng hơn, bảo toàn, tái hiện những tập tục truyền thống đầy nhân văn.
Trẻ em háo hức vui hội Trung thu tại khu đô thị Ân Phú. |
Gắn kết thiết chế đô thị từ cơ sở
Ông Nguyễn Ngọc Nha, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, việc xây dựng các mối quan hệ văn hóa đô thị của thị dân là cực kỳ cần thiết trong xu thế hội nhập kinh tế và cộng đồng hiện nay. Chính quyền địa phương xác định, hình thành một khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn chính là cơ hội và cũng là thách thức về phát triển đô thị hóa. Phải làm sao cộng đồng cư dân mới đó hòa nhập văn hóa địa phương, hòa quyện nhanh cộng đồng người dân có trước, lấy văn hóa làm nền tảng gây dựng các quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế, thì địa phương mới có thể quản lý và phát triển tốt đẹp.
Theo đó, chủ đầu tư dự án khu đô thị Ân Phú luôn quan tâm đến hoạt động chia sẻ với cộng đồng và xây dựng, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống là rất đáng trân trọng, ghi nhận. Qua những hoạt động, tập tục văn hóa dân tộc được doanh nghiệp đề xướng tổ chức, địa phương càng có cơ sở tổ chức, thiết chế các hoạt động văn hóa đời sống cho người dân. Nếu có thể nhân rộng sự quan tâm này từ một doanh nghiệp ra nhiều đơn vị, dự án đầu tư khác, chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường cuộc sống đô thị tốt đẹp, bảo đảm người dân an cư hạnh phúc.
Rõ ràng với tinh thần hợp tác giữa những chủ đầu tư đô thị, với chính quyền sở tại ở các địa phương, một hình thái bền vững về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở sẽ từng bước hình thành, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án phát triển đô thị mới, vừa gắn liền giá trị truyền thống, vừa thích hợp những tiêu chí hiện đại, văn minh. Qua những sự kiện lễ, Tết, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức nghiêm túc, đầy ý nghĩa, cuốn hút người dân hưởng ứng, đời sống văn hóa thị dân ngày càng ổn định, có thêm nhiều giá trị tích cực. Khi một cộng đồng cư dân tự giác nhận ra và bảo vệ những giá trị lâu năm trong giao tiếp văn hóa, hành xử cộng đồng, những hoạt động chính trị, xã hội và môi trường kinh tế chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
Điều quan trọng, theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân An, là phải làm sao nắm chắc được những tập tục văn hóa, hoạt động sinh hoạt phù hợp lễ nghi, cập nhật những đổi mới, sáng tạo, tránh những biểu hiện lạc hậu, hủ tục…, việc kết nối cộng đồng qua củng cố các tập tục truyền thống mới thực sự hiệu quả. Những nỗ lực gắn kết của các chủ đầu tư dự án đô thị, vì thế rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức văn hóa, xã hội, các cơ quan quản lý địa phương. Có như vậy, những đô thị văn hóa như TP. Buôn Ma Thuột mới trở thành những điểm đến an cư hấp dẫn của người dân!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc