Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng “Ngày hội thiếu nhi các dân tộc” tỉnh Đắk Lắk

08:40, 01/11/2023

Với nhiều hoạt động phong phú, Chương trình “Ngày hội thiếu nhi các dân tộc” tỉnh Đắk Lắk năm 2023 do Hội đồng Đội tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh vừa phối hợp tổ chức mới đây đã mang đến không khí rộn ràng, tạo nên một bức tranh sinh động, đa sắc màu về văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tham gia chương trình, hơn 600 đội viên đại diện cho thiếu nhi các dân tộc đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã được giáo dục lòng yêu nước qua việc thực hiện lễ dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến; lễ báo công dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi các dân tộc Đắk Lắk. Đặc biệt là tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như: liên hoan nghệ thuật, liên hoan ẩm thực, các gian hàng trưng bày, trò chơi dân gian…

Ở phần liên hoan nghệ thuật, các đội đã có sự đầu tư công phu với những tiết mục hát, múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc, với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, mang đậm bản sắc các dân tộc ở địa phương. Nhiều em còn nhỏ tuổi nhưng rất tự tin hoàn thành phần biểu diễn trong trang phục truyền thống.

Các em thiếu nhi tham gia nhảy sạp tại ngày hội.

Gian hàng trưng bày sản phẩm được các đơn vị chú trọng, mang đến nét đặc sắc văn hóa của địa phương như: sản phẩm nông nghiệp, trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày của các dân tộc. Đội TP. Buôn Ma Thuột gây ấn tượng mạnh với gian hàng trưng bày sản phẩm đa dạng, nổi bật của vùng đất Tây Nguyên. Anh Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, nội dung cuộc thi đã được triển khai sớm đến tất cả các liên đội trên địa bàn, từ đó lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu nhất mang đi trưng bày. Các sản phẩm được sắp xếp theo chủ đề như: thành phẩm nông nghiệp (cà phê, tiêu, mắc ca, mật ong); trang phục thổ cẩm truyền thống; các sản phẩm kiến trúc văn hóa (nhà sàn, nhà rông); các loại nhạc cụ; vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động, sản xuất (gùi, cối giã, dao, nỏ, cuốc, rọ bắt cá)… Tương tự, các gian hàng trưng bày tại liên hoan rất đa dạng với những sản phẩm đặc trưng về nét văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các em thiếu nhi tìm hiểu, học hỏi, trau dồi kiến thức, hiểu biết trong không gian mở, với không khí vui tươi, phấn khởi.

Phần liên hoan ẩm thực, các em thiếu nhi hóa thân thành những “đầu bếp nhí”, hào hứng chế biến những món ăn truyền thống của các dân tộc, vùng miền trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham gia thuyết trình, giới thiệu về những món ăn được trình bày đẹp mắt, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt, tiêu biểu như: gà nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, cà đắng giã, lá sắn xào, canh chua kiến vàng, thịt heo nướng ống tre…

Gian hàng trưng bày sản phẩm của đơn vị huyện Cư M'gar.

Sôi nổi, rộn ràng nhất của ngày hội có lẽ là nội dung trò chơi dân gian. Các trò chơi như: ô ăn quan, u, bịt mắt đánh trống, ăn táo trên dây, nhảy sạp… tạo nên không khí vui tươi, sôi động. Đặc biệt, phần nhảy sạp của đơn vị như huyện Ea Súp thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Trong trang phục truyền thống, các em  nhảy đều nhịp bước hòa cùng tiếng nhạc, tiếng gõ sạp, tạo nên một bức tranh rực rõ sắc màu, thể hiện thông điệp về tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh.

Em Nguyễn Thị Tường Vân (dân tộc Nùng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Ea Súp) hào hứng bày tỏ, ngày hội hôm nay hết sức ý nghĩa khi có rất nhiều học sinh thuộc dân tộc khác nhau, từ các địa phương khác nhau cùng hội tụ về để giao lưu, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua ngày hội, em có dịp tìm hiểu và biết thêm về các món ăn đặc trưng, vật dụng truyền thống sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của các dân tộc, được tham gia các trò chơi vô cùng vui nhộn. Hơn hết, các em có cơ hội kết thêm nhiều bạn mới, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ban tổ chức đã  trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho các nội dung tham gia chương trình. Trong đó, giải Nhất phần liên hoan nghệ thuật: Hội đồng Đội huyện Cư M’gar; liên hoan ẩm thực: Hội đồng Đội huyện Krông Năng; trưng bày các gian hàng sản phẩm: Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.