Multimedia Đọc Báo in

Cư Pui rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội mùa xuân

09:12, 17/01/2024

Những năm gần đây, với các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc dịp Tết, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) luôn thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, vui chơi, thưởng lãm.

Xã Cư Pui có 15.358 nhân khẩu, gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 13 thôn, buôn; trong đó ngoài đồng bào dân tộc tại chỗ như Êđê, M’nông, còn có cộng đồng đông đảo các dân tộc phía Bắc như: Mông, Tày, Thái, Mường... Vì thế lễ hội mùa xuân ở Cư Pui rất đặc sắc, phong phú, đa dạng các sắc màu văn hóa truyền thống các dân tộc.

Để chuẩn bị cho các lễ hội văn hóa truyền thống dịp Tết, hiện nay các buôn đồng bào tại chỗ đang gấp rút sửa sang lại các bến nước; sửa chữa, trang hoàng nhà sinh hoạt cộng đồng; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; chuẩn bị những ché rượu cần, tập luyện cồng chiêng. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, UBND xã Cư Pui sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng, diễn tấu quy mô cấp xã. Nghệ nhân Y Jút Êban ở buôn Khanh cho biết: “Từ đầu tháng 12 âm lịch, các nghệ nhân trong buôn đã tổ chức họp bàn và bắt đầu tập luyện diễn tấu các loại nhạc cụ, các bài hát múa truyền thống. Đội chiêng kram trẻ cũng đang tích cực tập luyện để kịp tham gia lễ hội”.

Đội văn nghệ người Mông của xã Cư Pui.

Các đội văn nghệ của các thôn đồng bào dân tộc Tày, Thái, Mường cũng đang tích cực tập luyện. Tết năm ngoái, xã Cư Pui mới chỉ tổ chức lễ hội tại thôn Knung. Năm nay UBND xã Cư Pui sẽ tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc Mường – Thái - Tày với quy mô cấp xã, tạo điều kiện để tất cả các thôn có đồng bào Mường, Thái, Tày trong toàn xã cùng tham gia.

Lễ hội được nhiều người chờ đợi là lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc được tổ chức vào ngày mùng 6 Tết, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn của đồng bào Mông. Hiện nay, những nội dung tham gia lễ hội đã được các thôn triển khai và bắt đầu tập luyện. Nhiều gia đình ở các thôn Cư Tê, Ea Uôl, Ea Lang, Cư Rang đã có cho mình những con bò đấu tốt nhất, hằng ngày tăng cường thức ăn, tập luyện để tham gia chọi bò trong ngày hội. Ông Sính Cháng Páo, Trưởng thôn Ea Uôl cho biết: “Thôn Ea Uôl năm nào cũng có bò chọi tham gia lễ hội và đều đạt giải. Năm nay, một số gia đình cũng đã chọn bò, chăm sóc kỹ càng, sẵn sàng để tham gia lễ hội”.

Vườn hoa xuân tại thôn Ea Bar sẵn sàng đón du khách đến tham quan.

Ngoài nội dung chọi bò, lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc còn có rất nhiều nội dung hấp dẫn như múa sênh tiền, thổi khèn Mông, đánh cù, kéo co, ném còn, bóng chuyền, bóng đá… Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Năm nay UBND huyện Krông Bông có kế hoạch tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc tại xã Cư Pui với quy mô cấp huyện, để một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc phía Bắc như xã Hòa Phong, xã Cư Drăm cùng được tham gia. Sau lễ hội này, xã Cư Pui tiếp tục tổ chức các lễ hội đầu xuân như: lễ hội các dân tộc Mường – Thái - Tày; lễ hội cồng chiêng cấp xã dành cho 5 buôn đồng bào Êđê, M'nông; tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao chào năm mới 2024”.

Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xã Cư Pui cũng đã triển khai kế hoạch chỉnh trang, tu sửa, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm và một số địa điểm như: nhà tưởng niệm Anh hùng Y Ơn Niê, thác Đắk Tuôr, hang đá Đắk Tuôr, hồ cá tầm để đón du khách đến tham quan. Đặc biệt, một số gia đình người dân tộc Mông đã đầu tư trồng vườn hoa với rất nhiều loài hoa đẹp, khung cảnh thơ mộng và nhiều tiểu cảnh hấp dẫn tại thôn Ea Bar. Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng mỗi ngày đã thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài xã đến tham quan, chụp hình.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.