Multimedia Đọc Báo in

Để tiếng chiêng ngân mãi

08:23, 07/01/2024

Nhiều năm qua, huyện Cư Kuin đã nỗ lực tổ chức các lớp truyền dạy kiến thức, cách trình diễn nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.

Đau đáu với mong mỏi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những năm qua, các nghệ nhân giàu nhiệt huyết ở buôn Kram (xã Ea Tiêu) cố gắng truyền dạy kiến thức, kỹ thuật đánh chiêng cho lớp trẻ trong buôn nhằm khơi dậy tình yêu, niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong lớp trẻ.

Nghệ nhân Y Gõ Niê đã gắn bó với việc truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên trong buôn 20 năm nay. Những ngày đầu mở lớp truyền dạy, số lượng thành viên tham gia học chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy ít người nhưng ông Y Gõ vẫn mang hết tâm huyết chỉ dạy từng học viên về cách cầm chiêng, đếm nhịp, đánh chiêng… Dần dần, tiếng chiêng trong Nhà văn hóa cộng đồng buôn Kram ngày càng vang xa, đồng bào trong buôn động viên con trẻ đi học ngày càng nhiều. Cũng từ đó, nhiều đội chiêng thanh thiếu nhi trong buôn được thành lập.

Tiết mục diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên do Đội chiêng buôn Kram (xã Ea Tiêu) trình bày tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Những năm gần đây, nghệ nhân Y Gõ còn được huyện Cư Kuin mời tham gia truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho hàng trăm học viên tại các xã trên địa bàn huyện. “Tôi dạy kiến thức, kỹ năng đánh chiêng cho các cháu với hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp tục kế thừa, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho mai sau”, ông Y Gõ chia sẻ.

Là một trong những thành viên của Đội chiêng thiếu nhi buôn Kram, em Y Wô Êban vui vẻ bày tỏ, sau một thời gian tham gia lớp học, cùng với sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân Y Gõ, đến nay em đã nắm vững những nội dung cơ bản trong cách gõ và đánh cồng chiêng khá thành thạo. Được tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn về cồng chiêng, em ngày càng say mê cồng chiêng và văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những ngày diễn ra lớp truyền dạy đánh chiêng, khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng buôn Jung A (xã Ea Ktur) rất nhộn nhịp, đông vui. Người đến học, người đến để động viên, cổ vũ con em mình. Nghệ nhân Y Phon Knul (buôn Jung A, xã Ea Ktur) tận tình chỉ dạy chi tiết cách gõ chiêng theo đúng nhịp điệu của từng bài chiêng cho học viên.

Nghệ nhân Y Phon Knul (buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) hướng dẫn học viên cách đánh chiêng.

Với vai trò là người trực tiếp dẫn dắt lớp học, ông Y Phon luôn nhắc nhở các bạn trẻ về tầm quan trọng của cồng chiêng cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. “Thấy bọn trẻ mê đắm tiếng chiêng, hăng say luyện tập tôi rất vui mừng. Từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng, qua lớp học, các học viên được truyền đạt nhiều kiến thức về cồng chiêng (chiêng đồng, chiêng tre) và diễn tấu thuần thục một số bài chiêng truyền thống của dân tộc mình”, ông Y Phon phấn khởi nói.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, UBND huyện Cư Kuin đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 11 lớp truyền dạy đánh chiêng cho hơn 300 học viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức dạy đánh chiêng, huyện Cư Kuin cũng quan tâm, ưu tiên trang bị các loại chiêng, trang phục truyền thống để tiếp thêm động lực, khích lệ tinh thần, giúp các học viên hăng say hơn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.