Cây nêu tô thắm sắc xuân
Hằng năm, vào cuối đông, khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp xuống núi rừng cũng là thời khắc hoa đào điểm tô sắc hồng, hoa mơ phủ màu trắng tinh khôi lên nền xanh cây lá, báo hiệu một mùa xuân mới đang về.
Thời điểm này mùa màng đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới, cũng là lúc bà con trong các bản làng tạm gác công việc ruộng nương chuẩn bị đón mùa xuân mới - gọi là “Đón tết năm mới”. Đối với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc và miền tây Thanh Hóa, Nghệ An, mừng xuân đón Tết không thể thiếu cây nêu.
Cây nêu là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Lễ hội và các trò chơi, diễn xướng đều diễn ra quanh cây nêu, phản ánh phong tục tập quán, lao động sản xuất của đồng bào. Đây là sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đặc sắc và có giá trị giáo dục sâu sắc cho cả cộng đồng.
Vẻ đẹp cây nêu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. |
Cây nêu của các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng... được làm từ những vật liệu sẵn có trong thiên nhiên. Người được chọn để chặt cây nêu về dựng phải là thanh niên trai tráng đã trưởng thành được dân bản tin tưởng chọn cử. Họ phải tìm cây tre/cây luồng to, thân thật thẳng, cao 8 m, các gióng thật dài, ngọn còn nguyên vẹn lá, tán ngọn được tỉa hình cái lộng, bầu đất lúc đào gốc lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu.
Trong lễ hội Then Kin pang của người Thái đen tỉnh Lai Châu bắt buộc phải có cây nêu. Theo tiếng Thái, Then Kin pang có nghĩa là mời Then xuống trần chơi hội cây nêu. Đây là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của tộc người Thái. Đồng bào dựng một cây nêu và trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích. Cây nêu được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó có hoa chuối là món yêu thích dành cho linh hồn của các loài thú rừng cùng đến hưởng lộc; hoa tươi và hoa bằng chỉ màu tượng trưng cho núi rừng, bản mường tươi đẹp; những con côn trùng bằng giấy tượng trưng cho cuộc sống no đủ, muôn loài đều có ăn; hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng; các dải vải màu là đạo cụ để đội múa trình diễn phục vụ Then và các vị thần.
Nghi thức “Tẳng co neo” tức là dựng cây nêu là một nghi thức rất quan trọng. Khi cây nêu đã chuẩn bị tươm tất, thầy mo quyết định chọn vị trí để dựng nêu. Cây nêu của bản sẽ được dựng ở giữa cánh đồng. Thầy mo cúng xin phép thổ địa cho dựng cây nêu để mở hội. Ngày 30 Tết cây nêu được dựng lên, các thành viên được trưởng làng phân công tập trung mang lễ vật đến trước sân làng. Thầy cúng làm lễ cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa, tạ ơn trời đất, cầu phúc, cầu an, xua đuổi những điều không may mắn của một năm qua cho dân làng làm ăn, cấy trồng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong ngày hội xuân luôn diễn ra nhiều trò chơi, diễn xướng nghệ thuật dân gian. Trò chơi ném còn vui nhộn được diễn ra tại cây nêu. Trên đỉnh cây nêu thường có vòng tròn đường kính khoảng 50cm, dán giấy mỏng, một bên đỏ một bên vàng tượng trưng cho âm dương. Các cô gái khéo tay chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ sặc sỡ được ghép nối lại với nhau. Quả còn được trang trí các tua màu vừa làm đẹp vừa giúp định hướng quả còn khi bay. Ai cũng muốn có quả còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội. Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau, mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Người ta quan niệm rằng nếu ném còn trúng vào vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm dương giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.
Ngoài ném còn, trò chơi trong lễ hội mừng xuân còn có đua ngựa, bắn nỏ, kéo co, múa sư tử, múa lân, đấu võ, hát sli, lượn, then. Trong ngày hội, ngoài các trò chơi, người Thái đen còn biểu diễn các điệu múa truyền thống như múa khăn, múa Tăng bẳng (dành cho thần mưa), múa sinh thực khí (Xe quây luông), múa “vượt thác lên Mường Trời” (khảm nặm ta khái)...
Cây bông rực rỡ sắc màu của dân tộc Thái trắng. Ảnh: Thanh Hà |
Cây nêu mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản làng, sự bảo tồn muôn loài của tự nhiên. Nó là tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo ra từ đôi tay của tập thể nghệ nhân trong các dịp lễ hội của đồng bào Thái, Mường, Tày, Nùng... Cũng như hoa đào, cây nêu là một sáng tạo văn hóa độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh, thế giới quan tộc người, là hình ảnh báo hiệu mùa xuân về với rừng núi, bản làng.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc