Multimedia Đọc Báo in

“Đất lề quê thói” thời hiện đại

08:41, 16/02/2024

Đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân tự ngàn xưa, hương ước ngày nay vẫn được duy trì bền vững và có tác động tích cực đến cộng đồng với những nội dung được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu và những thay đổi trong đời sống xã hội.

Buôn làng sạch đẹp, đoàn kết nhờ hương ước

Giữa làng quê yên bình, buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) được tô đẹp thêm cảnh quan với đường sá sạch đẹp, thoáng đãng, không có tình trạng xả rác, chăn thả gia súc bừa bãi.

Có được điều này phải kể đến quy định giữ gìn vệ sinh môi trường được ghi trong hương ước mà bà con đã đồng lòng xây dựng và xem đó là những quy tắc chung buộc mọi người tự giác tuân thủ.

Bản hương ước gồm 5 chương 20 điều, trong đó có quy định về bảo vệ môi trường với những nội dung cụ thể, chi tiết như: không xay xát nông sản để bụi và thổi vỏ ra đường làm ô nhiễm môi trường; không sử dụng lòng lề đường làm nơi đổ vỏ cà phê, gạch, đá và chất thải khác; mỗi gia đình phải tham gia một ngày công trong mỗi tháng dọn dẹp môi trường; không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà…

Bản hương ước như một “điều khoản” ràng buộc, nhắc nhớ mỗi người phải ý thức, chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực nhất đã góp phần làm đổi thay diện mạo của buôn làng, từ đó, cùng với các dân tộc anh em của các thôn, buôn trên địa bàn xã hoàn thành tiêu chí môi trường, đưa Ea Ktur cán đích nông thôn mới vào năm 2020. 

Lễ cúng bến nước của người Êđê ở buôn Ea Tlá, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin. Ảnh: Hữu Hùng
 

Chính nhờ sức mạnh của hương ước, với những quy định phù hợp với pháp luật, thuận lòng dân đã góp phần củng cố, bồi đắp khối đại đoàn kết các dân tộc, từ đó tạo nguồn lực để đồng bào các dân tộc chung tay xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp”.

 
Trưởng buôn Cuôr Kăp Y Yên Mlô

Bản hương ước của buôn Cuôr Kăp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng lại năm 2022 trên cơ sở sửa đổi một số nội dung của bản hương ước cũ cho phù hợp với thực tế cũng như truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn.

Buôn nằm ở ngoại ô TP. Buôn Ma Thuột, có gần 350 hộ và hơn 1.600 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc: Êđê, Kinh, Mường, Tày, Nùng đã đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể vận dụng, thực hiện, đưa hương ước đi vào cuộc sống.

Đồng bào các dân tộc anh em trong buôn phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, cùng nhau phát triển kinh tế, chung tay giữ gìn an ninh trật tự cũng như ý thức bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống riêng, hài hòa với sự phát triển chung.

Những dịp lễ hội, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con trong buôn cùng hòa chung niềm vui với nhịp xoang nhịp xòe trong tiếng chiêng Mường, chiêng Êđê hòa quyện...

“Buôn tôi tự quản”

Với việc huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân, đồng bào các dân tộc buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đã đoàn kết, gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh, trật tự theo hướng “tự phòng”, “tự quản”, “tự bảo vệ” tại cơ sở; đồng tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lâu nay, người dân trong buôn luôn tự giác tuân thủ những quy ước chung của buôn, cần cù lao động, giúp nhau phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, sống hòa mình với cộng đồng, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn; giữ gìn an ninh trật tự, không nghe và tin theo lời kẻ xấu, cùng nhau bảo vệ buôn làng. Đặc biệt, cư dân ở đây luôn giáo dục con cháu, dân làng bảo vệ rừng, nguồn nước, giữ gìn văn hóa truyền thống…

Theo già làng Y Ngăk Niê, người dân luôn nhắc nhau không phá rừng làm nương rẫy, không làm ô nhiễm nguồn nước, không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà, đau ốm không cúng Giàng; đồng thời, bỏ những tập tục lạc hậu như nối dây, nghi ma lai, tảo hôn, thách cưới, ăn uống tốn kém nhiều ngày trong đám tang, đám cưới...

Người dân buôn Tring vui chơi trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Ngày nay người dân buôn Trinh cũng xây dựng hương ước phù hợp với đời sống hiện tại. Trong đó phải kể đến mô hình “Buôn tôi tự quản” được triển khai sâu rộng trong cộng đồng thông qua thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh trật tự; không tin, không nghe theo thế lực thù địch, phản động; không tham gia các tà đạo, mê tín dị đoan; tích cực cảm hóa giúp đỡ người lầm lỗi, tố giác tội phạm...

Cũng từ đó việc huy động sức mạnh của cộng đồng trong buôn để tham gia xây dựng cuộc sống mới cũng ngày càng gắn với nhu cầu nội tại của người dân như tham gia bàn bạc, góp ý, giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ, đảng viên ở cơ sở; giám sát đầu tư cộng đồng; được tham gia bàn bạc, thảo luận, quyết định những vấn đề có liên quan lợi ích của họ.

Có thể nói, nội dung hương ước, quy ước trong đời sống hiện nay là sự kết hợp phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư ở thôn buôn với các quy định của pháp luật, được cả cộng đồng chấp thuận và thực hiện.

Đăng Triều - Hồng Thúy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.