Phát huy bản sắc văn hóa Đắk Lắk trong tiến trình hội nhập và phát triển
Trải qua quá trình lịch sử, tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và dân tộc Kinh mang đủ sắc thái của ba miền Bắc - Trung - Nam. Cả ba dòng văn hóa ấy giao thoa, đan xen, bồi đắp cho nhau, ngày càng phát triển tạo thành nền văn hóa Đắk Lắk thống nhất trong đa dạng.
Đắk Lắk có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, vô cùng phong phú, đa dạng với những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã…; những sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc…; những lễ hội đặc sắc và phong tục độc đáo; âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, các nhạc cụ làm từ chất liệu của núi rừng; những lời ca, điệu múa của cộng đồng 49 dân tộc anh em. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2005. Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Nhiều di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa đã được công nhận là di tích quốc gia, phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh… Đó chính là vốn quý và sức sống của Đắk Lắk, nền tảng cho sự phát triển không chỉ của quá khứ mà trong cả hiện tại và tương lai.
Trong thời gian qua, quán triệt quan điểm của Đảng về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa thành chủ trương, nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Đặc biệt, công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được quan tâm, định hình trong từng bước phát triển. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng…, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao về nhận thức chính trị, tư tưởng, giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng; hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thưởng lãm. Ảnh: Nguyễn Gia |
Bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay đặt ra nhiều cơ hội và thách thức về việc bảo tồn, bảo vệ các giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị của nhân loại nhằm bổ sung vào các giá trị truyền thống của mình, phục vụ công cuộc phát triển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa nói chung, về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói riêng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhấn mạnh nhiệm vụ “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số… xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người và phát triển kinh tế, xã hội”.
Xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Đắk Lắk là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế. Phải sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với huy động tối đa nguồn lực xã hội để tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, con người phù hợp với các định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển của quốc gia, của vùng và quy hoạch của tỉnh, bảo đảm phát triển dựa trên ba trụ cột: Môi trường - xã hội - kinh tế; đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng của địa phương là: Sinh thái Đất - Nước - Rừng, bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Những quyết sách phát triển về văn hóa, truyền thống lịch sử, giá trị nhân văn… đã và đang là nguồn lực tri thức, hành trang vô cùng quý báu, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn định hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh bản sắc; thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống.
H’Lim Niê
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc