Triển lãm mỹ thuật “Buôn Ma Thuột xưa”:
Thêm “điểm cộng” cho xứ sở cà phê
Từ thân cây cà phê có tuổi đời vài chục năm trở lên, được cắt ra từng miếng tự nhiên và thô mộc, họa sĩ Nông Hoàng Chiến (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk) đã tỉ mẩn, công phu sao chép lên đó những bức ảnh về Buôn Ma Thuột xưa được nhiều nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế ghi lại từ những thập niên 50 – 70 của thế kỷ trước.
Nào là những nếp nhà dài nép mình bên góc phố bụi bặm, hay ẩn mình trong không gian xanh mướt cỏ cây; rồi sơn nữ với trang phục người Êđê đẹp như đóa hoa rừng bước ra phố chợ; đàn voi nhà hiền lành và ngoan ngoãn dưới sự điều khiển của các quản tượng kiêu hùng cùng cảnh sắc hoang sơ, thanh bình của buôn làng cổ truyền quanh phố… Tất cả hình ảnh xưa cũ ấy được họa sĩ Nông Hoàng Chiến âm bản trên những lát cắt từ thân cây cà phê một cách sống động và độc đáo. Hỏi về kỹ thuật chế tác, người họa sĩ trẻ này chia sẻ: Nói cho đơn giản và dễ hiểu rằng, những bức ảnh trên được in laser trên khổ giấy A4, rồi dán lên mặt gỗ cà phê qua một lớp keo đặc biệt. Sau đó phun nước lên cho thấm ướt và dần bóc tách phần giấy ra, chỉ còn lớp mực in đậm trên mặt gỗ, thế là bức ảnh hiện ra hoàn hảo. Thật ra kỹ thuật này không mới, bởi đã có nhiều nghệ sĩ đã sáng tạo trên chất liệu kim loại (nhôm, đồng) hoặc đá, sành và gốm sứ. Tuy nhiên, họa sĩ Nông Hoàng Chiến lại chọn gỗ cà phê, vì theo anh đây là “đặc sản” của quê xứ mình - và cà phê đã trở thành chỉ dẫn địa lý tiêu biểu của vùng đất Buôn Ma Thuột, sự tương tác, lan tỏa của nó đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống đương đại. Vì thế hình ảnh Buôn Ma Thuột xưa được tái hiện trên thân gỗ cà phê cũng là dư địa mới nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa cũng như chuỗi giá trị gia tăng kinh tế cho loại cây trồng chiến lược này.
Họa sĩ Nông Hoàng Chiến (ngồi giữa bìa phải) giao lưu với người yêu nghệ thuật tại Đường sách Buôn Ma Thuột. |
Sắp tới, trên chất liệu lá cà phê, tôi sẽ tiếp tục thực hiện tranh, ảnh về con người, vùng đất giàu bản sắc này theo cách thức ấy. Những tác phẩm nghệ thuật trên lá cà phê sẽ được đóng gói như bưu thiếp (từ 10 – 20 lá/gói) để gửi đến mọi người có nhu cầu”. Họa sĩ Nông Hoàng Chiến
|
Triển lãm trên được mở ra trong không gian Đường sách Buôn Ma Thuột và nhiều người đến đây vừa uống cà phê, vừa thưởng lãm hình ảnh Buôn Ma Thuột xưa với những chỉ dấu đáng nhớ, không thể phai mờ trong ký ức của cư dân đô thị này qua nhiều thế hệ. Theo họa sĩ Nông Hoàng Chiến thì đó cũng là “điểm cộng” cho vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam. Hiện chỉ có 15 tác phẩm được trưng bày tại địa điểm trên, nhưng sự sáng tạo ấy không còn là thực nghiệm nữa, mà đã và đang thu hút sự chú ý của du khách gần xa, khi từ địa hạt mỹ thuật (như bao bộ môn nghệ thuật khác) - những góc nhìn, những khoảnh khắc đẹp của Buôn Ma Thuột xưa và nay hiện lên trên những lát gỗ thân cây cà phê kia được người họa sĩ giàu ý tưởng ấy biến thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ gần gũi, độc lạ để làm quà tặng/bán cho du khách khi đến với Đắk Lắk.
Hình ảnh ngôi nhà dài xưa được in trên độc bản gỗ cà phê. |
Tính chất thương mại đáng được khích lệ này đã bắt đầu trở thành hiện thực, khi biết rằng có nhiều hàng quán cà phê, shop bán hàng lưu niệm và các khu điểm du lịch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng cho họa sĩ Nông Hoàng Chiến sáng tạo hàng loạt tranh, ảnh trên chất liệu gỗ cà phê độc bản nhằm bổ sung, hoàn thêm bộ sưu tập về văn hóa (kể cả kinh tế) từ cây cà phê mang lại.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc