Khổng Tử Miếu ở phố cổ Hội An
Nằm trong khuôn viên rộng hơn 4.800 m2 bên đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Khổng Tử Miếu không chỉ để thờ đức Khổng Tử mà còn là một biểu tượng hiếu học của xứ Quảng.
Ban đầu, Khổng Tử Miếu được xây dựng tại phía tây làng Câu Nhí, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào thời kỳ đầu triều vua Gia Long nhà Nguyễn.
Do nằm sát bờ sông Thu Bồn bị lũ lụt gây sạt lở nghiêm trọng nên miếu phải dời sang phía đông làng Câu Nhí. Nhưng rồi thiên tai vẫn tiếp tục đe dọa, đến năm vua Minh Mạng thứ 6, Khổng Tử Miếu được di dời tới cạnh thủ phủ Quảng Nam tại làng Thanh Chiêm, một vùng đất nổi tiếng về nơi xuất phát đầu tiên của chữ quốc ngữ, nay là phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Khổng Tử Miếu là trung tâm huấn học cho cả xứ Quảng nhưng rồi trải qua bao thăng trầm chìm nổi của binh biến, loạn lạc, Khổng Tử Miếu trở nên hoang tàn, đổ nát, nghiệp huấn học bị đứt gãy theo lửa đạn của chiến tranh. Mãi đến năm 1961, tỉnh lỵ Quảng Nam được chính thức đặt tại Hội An thì Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam đã vận động xây dựng lại Khổng Tử Miếu với dáng dấp bề thế như bây giờ.
Để có một Khổng Tử Miếu đồng điệu, hài hòa vừa mới mẻ, vừa cổ kính, Hội Cổ học tinh hoa Quảng Nam phải cử người ra Huế mời họa sĩ Tôn Thất Sa, một kiến trúc sư nổi danh vào họa đồ, thiết kế toàn bộ công trình.
Nhà tiền đường - nơi thờ đức Khổng Tử. |
Với lối kiến trúc theo kiểu Đại Thành, Chương Hóa ở Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Khổng Tử Miếu nổi bật giữa không gian bốn mùa lặng lẽ. Cửa tam quan của tòa Khổng Tử Miếu trông giống cửa của nhiều công trình ở TP. Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa, quê hương của Khổng Tử.
Khổng Tử Miếu bao gồm các hạng mục như cổng tam quan, cầu bán nguyệt, hồ sen, trụ biểu, bình phong, tiền đường, hậu tẩm, nhà đông, nhà tây và hậu điện. Tam quan Khổng Tử Miếu có 3 lối đi được tạo thành 4 trụ tròn bằng xi măng, đá táng chân cột hình quả bí. Lối chính giữa là đại trung môn, lớn hơn hai lối bên.
Phía trên đại trung môn là tấm biển cẩm thạch với 3 chữ lớn “Khổng Tử Miếu” và trang trí đồ án Khổng Tử giảng dạy. Cây cầu vồng bắc qua hồ bán nguyệt lót gạch Bát Tràng. Trước nhà tiền đường là bức bình phong được đắp khảm mảnh sành tinh xảo.
Chính giữa của mặt trước bức bình phong được họa tiết hình ảnh “Long mã phụ hà đồ”, hai bên là chú tiều phu đốn củi và mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Mặt sau đắp nổi hình ảnh một cụ già thong thả ngồi buông câu cùng một lão nông cày ruộng. Ở phía trên đắp hình cây bút và thanh kiếm. Bút và kiếm là hai thứ đồ dùng của học trò thuở xưa.
Hai bên các bậc thềm cấp nhà tiền đường đắp hai hình long chầu sắc sảo, các trụ cột rồng, mây vờn quyện. Gian giữa tiền đường thờ đức Khổng Tử và đây cũng là nơi trang trí các dụng cụ, sách vở dạy học của Khổng Tử.
Việc đắp nổi mô hình tứ dân: Ngư, tiều, canh, mục ở bức bình phong chứa đựng về hàm ý một xã hội đương thời thu nhỏ và bất cứ ai làm nghề gì cũng phải cần đến cái chữ, phải học hành mới trở thành kẻ sĩ.
Khổng Tử Miếu là hình tượng ngợi ca những tấm gương vượt khó, hiếu học, nơi lưu danh các nhân sĩ, tri thức đỗ đạt thành tài, phản ánh truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta đã có từ thuở xa xưa.
Khổng Tử Miếu đề cao sự học hành, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về “Tiên học lễ, hậu học văn”, đồng thời là một kiến trúc liên hoàn có tính mỹ thuật cao, là nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai trí…
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc