Sự độc đáo trong cách ăn mặc của người Giẻ - Triêng
Dân tộc Giẻ - Triêng sinh sống ở huyện Nam Giang, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương thuộc tỉnh Kon Tum.
Đây là tộc người còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa cổ xưa, đặc biệt là trong tập quán, lễ hội và phục sức. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đồng bào Giẻ - Triêng vẫn còn giữ và thực hành những truyền thống văn hóa mang đậm sắc màu hoang sơ và giàu tính nhân văn, nhất lối phục sức hết sức độc đáo.
Lễ hội ăn than của đồng bào Giẻ - Triêng là một lễ nghi nông nghiệp đặc sắc và quy mô nhất trong hệ thống nghi lễ cộng đồng.
Trong lễ hội này, những người đi đốt than có lối phục sức khá độc lạ: Họ phải đội chiếc mũ làm bằng lá của cây thuộc họ lồ ô, gọi là long kliă klao. Lá của cây này có thanh dài, lá mỏng, màu sáng hơi trắng và chắc bền, không dễ bị rách. Phía trước mũ tạo hình chóp như mỏ chim và phía sau tạo tua rua. Mỗi thành viên tham gia đốt than, trước khi gùi than về làng đều phải đội chiếc mũ này.
Theo quan niệm của đồng bào, chiếc mũ chính là lễ vật kết nối con người với thần linh. Thanh niên trai tráng, khỏe mạnh cõng những người đi đốt than lên nhà rông để ăn mừng. Sau khi già làng cầu khấn thì những người đi lấy than đồng loạt ném chiếc mũ hình chim lên trên mái nhà, nơi đặt các sọ thú. Khi những chiếc mũ ấy trúng đích, vành mũ treo vào chiếc sừng tức là lời khấn đã linh ứng, mọi người đều toại nguyện, hứa hẹn mùa rẫy mới bội thu, ngô lúa đầy kho, cuộc sống dân làng no ấm.
Những người ăn than đội chiếc mũ làm bằng lá cây vừa gùi than về làng, vừa thổi kèn đinh tút. |
Một nét khác lạ trong trang phục truyền thống dân tộc Giẻ - Triêng thể hiện ở tấm khoác thổ cẩm.
Tấm áo khoác được đồng bào sử dụng khá nhiều trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong các sinh hoạt lễ hội.
Tấm khoác của đàn ông thường rộng và dài hơn nhiều lần so với tấm khoác của phụ nữ, được quấn thành những lớp dầy, che kín thân thể, đặc biệt là khu vực vai và ngực.
Tấm khoác của phụ nữ hẹp và ngắn hơn, được khoác lên vai, thả dài xuống lưng, buộc cố định về trước ngực để giữ ấm vai, lưng và một phần phía ngực.
Ở những gia đình khá giả, vào những ngày lễ, tết, hội hè, các thành viên thường sử dụng những chiếc váy, khố, tấm khoác có nhiều hoa văn trang trí bằng sợi màu, mới và đẹp hơn ngày thường.
Tấm khoác còn là “đạo cụ” không thể thiếu của phụ nữ khi tham gia điệu múa xoang xung quanh cây nêu trước sân nhà rông. Lúc múa, tấm khoác có thể choàng vào thân người tạo nét dịu dàng, nữ tính của các cô gái, có thể linh hoạt tháo ra cầm ở hai đầu mép vải, tấm vải nhẹ nhàng chuyển động theo nhịp điệu tạo thành dòng suối thổ cẩm tươi tắn sắc màu.
Những người đàn ông mặc váy, cải trang thành phụ nữ khi thổi đinh tút. |
Một điều thú vị nữa là khi người Giẻ - Triêng thổi đinh tút - một loại nhạc cụ đơn giản làm bằng ống nứa, thường được sử dụng trong lễ cúng lúa thì người thổi phải cải trang.
Chỉ có đàn ông mới được biểu diễn loại nhạc cụ này, song dù già hay trẻ họ đều phải giả dạng, cải trang thành phụ nữ. Họ không được đóng khố mà phải mặc váy. Cách mặc của họ cũng khác thường: phải che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ được thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi.
Theo quan niệm của đồng bào, âm thanh đinh tút có thể mời gọi hồn lúa từ nương rẫy về với buôn làng. Nữ thần lúa là một cô gái hồn nhiên, xinh đẹp nhưng rất yếu đuối và nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, thần lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy, không về với buôn làng nữa. Đó là điều kiêng kỵ, vì nàng tiên lúa sẽ không hiển linh, sang năm sẽ mất mùa, đói kém. Xuất phát từ tập quán từ xa xưa đó nên khi thổi nhạc cụ đinh tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà!
Sự khác biệt về lối phục sức trong các lễ hội cổ truyền như Lễ mừng lúa mới, Lễ ăn than... của đồng bào Giẻ - Triêng mang tính kỳ bí, tạo nên nét độc đáo riêng có trong di sản văn hóa tộc người.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc