Multimedia Đọc Báo in

Bí ẩn di tích Tam Tinh Đôi

16:45, 26/08/2024

Tham quan Bảo tàng khảo cổ học Tam Tinh Đôi ở TP. Quảng Hán (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), tôi như đang được trở về với một nền văn minh kỳ lạ có niên đại từ 4.500 - 2.800 năm trước ở vùng đất từng là nước Thục cổ đại.

Mỗi hiện vật ở di tích nổi tiếng này đều mang trong mình những bí ẩn chưa có câu trả lời đầy đủ… 

Tam Tinh Đôi là bảo tàng khảo cổ học nổi tiếng nhất Trung Quốc, là niềm tự hào của tỉnh Tứ Xuyên. Nó được xây dựng ngay trên nền di tích, và di tích thì vẫn đang trong quá trình tiếp tục khai quật.

Theo giới thiệu của Hạo Liêu, nữ hướng dẫn viên bảo tàng, việc phát hiện ra di tích Tam Tinh Đôi bắt nguồn từ một sự tình cờ vào năm 1929. Một nông dân ở vùng Quảng Hán đang xới đất trên đồng thì vô tình gặp phải một vật cứng, khi đào lên thì phát hiện đó là một miếng ngọc bích tinh xảo. Phát hiện này ngay lập tức gây chấn động người dân địa phương và rất nhiều người từ khắp mọi miền đã đến để tìm kiếm cổ vật; thu hút sự chú ý của nhiều nhà buôn đồ cổ và các học giả.

Mãi đến năm 1934, một nhóm khảo cổ thuộc Chính phủ Trung Hoa Dân quốc mới đến Tam Tinh Đôi để thực hiện cuộc khai quật đầu tiên. Trong cuộc khai quật này, ngay gần khu di tích, họ tìm thấy ba gò đất nhỏ có hình dạng giống ba ngôi sao nên đặt tên nơi này là Tam Tinh Đôi. Họ đã tìm thấy một số đồ đồng, ngọc bích, đồ gốm và các công cụ bằng đá trong cuộc khai quật này. Do tình hình Trung Quốc lúc bấy giờ đang có chiến tranh nên nhóm khảo cổ phải kết thúc một cách vội vàng.

Cậu bé chăm chú trước một hiện vật tinh xảo.

Mãi đến năm 1986, Tam Tinh Đôi mới lấy lại sự chú ý của giới khảo cổ quốc tế. Khi công việc khai quật tiếp tục, các chuyên gia đã phát hiện ra hố hiến tế số 1 và 2. Hai hố này chứa hàng nghìn di vật văn hóa tinh xảo như tượng đồng, tượng đứng, mặt nạ lớn nhỏ các loại bằng đồng, vàng và đá. Đáng chú ý nhất là cây thiêng bằng đồng cao 3,96 m và hiện là vật thể bằng đồng hình cây cao nhất thế giới. Cây đồng này được trang trí tinh xảo gồm có gốc cây và thân cây, chia làm ba tầng, mỗi tầng ba nhánh, tổng cộng chín nhánh; trên mỗi cành có một bông hoa với hoa văn rỗng và một con chim thiêng được khảm một cách sống động. Hình dáng của cây đồng này gần giống với cây fusang được mô tả trong Sơn Hải Kinh (một cuốn sách địa lý chí Trung Quốc xuất hiện từ thế kỷ 4 TCN). Phát hiện này khiến người ta thắc mắc, phải chăng những câu chuyện thần thoại được miêu tả trong Sơn Hải Kinh không chỉ là truyền thuyết mà còn có thật trong lịch sử?

Ngoài cây đồng, Tam Tinh Đôi còn hiển lộ một hiện vật bí ẩn là chiếc mặt nạ dọc bằng đồng có chiều cao khoảng 64,5 cm. Đôi mắt của chiếc mặt nạ này có hình trụ, dài về phía trước khoảng 16 cm, điều đặc biệt hơn nữa là nó có đôi tai to không phù hợp với các đặc điểm trên khuôn mặt con người. Một phát hiện đáng kinh ngạc khác là chiếc bánh xe mặt trời bằng đồng. Nó có lịch sử hơn 3.000 năm, hình dáng tròn trịa, ở giữa có một vòng nhô lên. Bánh xe này có hình dạng tương tự các bánh xe trong các bức tranh tường của người Ai Cập cổ đại. Điều này đã gây ra suy đoán, liệu có mối liên hệ nào đó giữa nền văn minh Ai Cập cổ đại và Tam Tinh Đôi?

Phải chăng, hàng nghìn năm trước người Thục cổ đại đã ứng dụng kỹ thuật hàn đồng tinh xảo?

Vào tháng 6/2022, các chuyên gia bất ngờ phát hiện ra một di vật có hình dáng kỳ lạ. Di vật này được làm bằng đồng, hình dáng giống lưng rùa, được bao phủ bởi những đường kẻ như mạng lưới, đầy khí chất huyền bí. Các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra bằng tia X và phát hiện nó có vết hàn, các bộ phận được hàn tinh xảo đến mức gần như không thấy dấu vết. Theo các nhà chuyên môn, lâu nay người ta cho rằng, kỹ thuật hàn bắt đầu xuất hiện ở châu Âu vào năm 1885; đó là công nghệ sử dụng hồ quang tạo ra nhiệt độ cao để làm tan chảy và nối các kim loại. Tuy nhiên, phát hiện này ở Tam Tinh Đôi đã đẩy nguồn gốc lịch sử của công nghệ hàn tiến thêm vài nghìn năm!

Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, nếu muốn chọn ra “những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ 20” thì Tam Tinh Đôi chắc chắn lọt vào danh sách. Giới chuyên môn đánh giá, di tích này có niên đại vượt trước cả nền văn minh Maya và hoành tráng hơn cả các chiến binh đất nung ở lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Tại sao một di tích lịch sử lại có thể gây chấn động trong và ngoài Trung Quốc như vậy? Lý do là lịch sử của nền văn minh Tam Tinh Đôi có thể bắt nguồn từ năm 3000 TCN, trong khi trước đó, lịch sử Trung Quốc chỉ được ghi nhận dừng lại ở cuối triều Hạ, khoảng 4.200 năm trước. Nói cách khác, nếu khám phá tất cả bí mật của Tam Tinh Đôi, sự hiểu biết về nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc có thể khác xa so với những gì đã được khẳng định.

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc