Multimedia Đọc Báo in

Những cuộc thiên di đầy mơ mộng của Phong

14:31, 30/10/2024

Lê Minh Phong là một họa sĩ trẻ mang “căn cước” rất khác biệt trong giới mỹ thuật xứ Huế. Một người ngoại đạo đã tự học hội họa rồi thiên di sang vùng đất mỹ thuật và trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, với những bước đầu rất thành công.

Tháng 7/2024 mới đây, anh đã tổ chức thành công triển lãm cá nhân lần thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh – nơi đời sống mỹ thuật vô cùng sôi động.

Cuộc thiên di văn chương - hội họa

Lê Minh Phong (39 tuổi) vốn là nhà văn, đã xuất bản 3 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết, đang là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Sông Hương thì dứt khoát nghỉ việc để về nhà vẽ tranh, không chỉ vẽ mà còn thực hành cả điêu khắc.

Họa sĩ Lê Minh Phong. Ảnh do nhân vật cung cấp

Quê ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), Phong vào Huế học khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Học đến thạc sĩ lý luận văn học, nhưng anh không đi dạy mà đi làm báo và chuyên chú viết văn. Hơn 10 năm trước, công chúng chỉ biết đến Lê Minh Phong - tác giả của những truyện ngắn với một bút pháp độc lạ. “Một trong những cây bút văn xuôi hậu hiện đại đáng chú ý bậc nhất hiện nay của văn học Việt Nam đương đại, như chúng tôi đã nhận định nhiều lần trong nhiều công trình khoa học khác nhau đã công bố, đó chính là nhà văn Lê Minh Phong”, nhà phê bình Phan Tuấn Anh (bút danh Yến Thanh) nhận định.

Nhìn Phong chăm chút cho những trang tạp chí, và rồi những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết liên tục xuất bản, ai cũng nghĩ Phong sẽ tận hiến hết đời với cuộc chơi văn chương. Ngay cả khi được Phong mời đến xem triển lãm cá nhân đầu tiên vào tháng 9/2015, tôi cũng nghĩ Phong chỉ ngẫu hứng với hội họa.    

Thế rồi 3 năm sau, Phong tiếp tục cuộc triển lãm cá nhân thứ hai. Và rồi, anh nghỉ hẳn công việc làm báo để vẽ, và vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp. Phong mê mải suốt ngày đêm trong xưởng vẽ, chìm đắm trong ngồn ngộn sơn dầu, acrylic và những toan vải bố trắng trinh mời gọi. Nghĩa là, Phong sống bằng tranh, cả vật chất lẫn tinh thần từ tranh, đam mê và day dứt theo từng vệt màu, nét cọ. Tranh của Phong được các gallery, các nhà sưu tập trong và ngoài nước, cả người chơi tranh chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư chọn lựa. Có thể nói là tranh bán rất chạy.

Nói về cuộc thiên di từ văn chương sang hội họa, Phong trần tình: “Tôi nhận thấy mỗi lĩnh vực có một ngôn ngữ nghệ thuật riêng nhưng chúng đều giúp chúng ta hướng tới lý giải thế giới và tìm kiếm khuôn mặt của tha nhân và của chính mình. Có những ý tưởng tôi cảm thấy không thể đi tới tận cùng bằng hội họa thì tôi tìm đến văn học. Có những điều văn học không thể nói thì tôi nói bằng hội họa, bằng những vết thương tưởng như vô ngôn nhưng tôi tin vào sự tác động ngầm ẩn của chúng”.

Những giấc mơ đẹp đến rợn người

Sau 3 năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19, tháng 12/2022, Phong lại đem tranh vào TP. Hồ Chí Minh để thực hiện cuộc triển lãm cá nhân thứ ba với tên gọi “Thiên di”, tại HAKIO - Let’s Art. 50 bức sơn dầu khổ lớn, như là trích đoạn từ giấc mơ với những hình thể huyền bí, những mảng màu huyền ảo, đẹp đến rợn người.

Phong nói về những bức tranh “Thiên di” của mình: “Trong hành trình của dân tộc mình, tuy không phải thuộc nền văn hóa du mục nhưng chúng ta đã làm những cuộc chuyển dời rất lớn trong lịch sử. Ở đây, tôi vẽ những nhân vật ra đi tìm tự do, ánh sáng, ra đi để thoát khỏi kiếp nô lệ, đi từ những vùng đất cằn cỗi đến những vùng đất màu mỡ hơn để dệt nên cuộc sống của mình. Và tôi vẽ giấc mơ của những người làm nên cuộc chuyển dời ấy”.

Bức tranh “Nằm mộng”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 7/2024, Phong lại mang tranh vào TP. Hồ Chí Minh để làm cuộc triển lãm “Nằm mộng” tại khu đô thị sang trọng Global City. Đây là cuộc triển lãm cá nhân thứ tư của anh và là triển lãm thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh - một trung tâm nghệ thuật lớn của Việt Nam.

Có thể nói, cuộc chơi nghệ thuật của Phong là những cuộc thiên di đầy mơ mộng và không ít phiêu lưu, được thực hành bằng đam mê và trí tuệ. Cuộc thiên di từ văn chương sang hội họa đã mở ra cho Phong một không gian mênh mông để anh thỏa sức mơ mộng và tung tẩy sắc màu. Tương tác của văn chương và hội họa đã tạo cho Phong một xung lực rất đặc biệt, những ý tưởng sáng tạo mà chỉ hội họa thôi không thể có được, từ đó hình thành một phong cách riêng biệt của Phong.

Những cuộc thiên di tìm kiếm đầy thăng hoa trong thế giới hội họa đông tây kim cổ đã định hình một phong cách nghệ thuật không giống ai của Lê Minh Phong. Như lời Phong nói, đó là một cuộc hỗn dung giữa các ngôn ngữ tạo hình siêu thực, biểu hiện, tượng trưng, dã thú, và là sự chuyển dời từ nghệ thuật tiền hiện đại đến hậu hiện đại.

Bức tranh "Người hát rong". Ảnh do nhân vật cung cấp

Hầu hết các bức tranh trong triển lãm “Thiên di”, “Nằm mộng” đều được giới sưu tập và người chơi tranh gắn nơ (tức là xác định mua). Với một họa sĩ trẻ, từ miền Trung, xuất thân không trường lớp, hai lần đưa tranh đi triển lãm ở một trung tâm nghệ thuật lớn thì đó là một kết quả không hề nhỏ, nếu không nói là rất thành công.

Với những cuộc thiên di không ngừng nghỉ như thế, Phong đã xác định cho mình một chỗ đứng, rất chuyên nghiệp, trong sân chơi của mỹ thuật đương đại nước nhà.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc