Tây Nguyên xưa qua thư tịch cổ
1. Theo thư tịch cổ, trước thế kỷ 15, vùng đất Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của vương quốc Chămpa. Những cuộc xung đột triền miên giữa hai quốc gia Lâm Ấp và Phù Nam, tiếp theo là Chiêm Thành và Chân Lạp đã tác động lớn đến cuộc sống của các người ở Tây Nguyên. Từ năm 1471, vua Lê Thánh Tông chiếm được Chiêm Thành, lập nên tiểu quốc Hoa Anh và Nam Bàn, tạo “vùng đệm” nhằm ngăn cách Đại Việt với Chămpa, ổn định vùng biên giới phía Nam của Đại Việt. Nước Hoa Anh nằm trọn giữa đèo Cù Mông và đèo Cả, còn Nam Bàn ở phía tây “đầu nguồn” phủ Phú Yên.
Sang thế kỷ 16, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam, các chúa Nguyễn đã không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương Nam, Nam Bàn trở thành một vùng đất bảo hộ của chúa Nguyễn với tên gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá.
Thủy Xá/Thủy vương (tiếng Êđê là Mtao Êa, tiếng J’rai gọi là Pơtao Ia); Hỏa Xá/Hỏa vương (tiếng Êđê là Mtao Pui, tiếng J’rai gọi là Pơtao Apui) theo cách phiên âm từ chữ Hán trong thư tịch của người Việt. Hai vị “tiểu vương”, hay “quốc trưởng” chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, cai trị tiểu quốc của người J’rai ở vùng Tây Nguyên hiện nay. Thủy Xá, Hỏa Xá là địa bàn cư trú của cộng đồng các dân tộc J’rai, Êđê, Bahnar, Kơ Ho, Xê Đăng, M’nông, Mạ, Giẻ Triêng… ở vùng Bắc Tây Nguyên đến Đắk Lắk. Trong đó, vai trò chủ thể của Thủy Xá, Hỏa Xá là bộ tộc người J’rai.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” xác định: Từ triều Lê trở về trước, Nam Bàn thuộc Chiêm Thành, đến khi Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến núi Thạch Bi, phong dòng dõi chúa cũ Chiêm Thành là Nam Bàn quốc vương và chia giữ đất đai từ núi Thạch Bi trở về phía tây, tức là đất của vương quốc Thủy Xá và Hỏa Xá.
“Đại Nam thực lục” cũng chép rõ: Khi Lê Thánh Tông cắt đất từ phía tây núi Thạch Bi lập ra nước Nam Bàn và phong dòng dõi chúa cũ Chiêm Thành là Nam Bàn quốc vương (Thủy Xá, Hỏa Xá), ở giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy Xá ở phía đông núi, vua Hỏa Xá ở phía tây núi. Như vậy, chỉ từ sau năm 1471, vùng đất tự trị của người J’rai, Êđê mới có tên chính thức là Nam Bàn, đó chính là Thủy Xá, Hỏa Xá. “Đại Nam thực lục” xác định giới hạn của Hỏa Xá: đông giáp thuộc man Phú Yên, tây giáp nước Lào, nam giáp thuộc man Bình Hòa, bắc giáp thuộc man Bình Định. Sách “Phương đình dư địa chí” của Nguyễn Siêu cho biết: Nước Thủy Xá ở phía đông ngọn núi, giáp với đồn Phước Sơn, tỉnh Phú Yên, phía nam là thuộc man Thạch Thành.
Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” đệ tam kỷ, vị trí địa lý của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá được chép lại như sau: “Nước Thủy Xá, phía tây giáp nước Hỏa Xá. Phía đông giáp đồn Phúc Sơn thuộc tỉnh hạt Phú Yên và giáp thuế man ở Thạch Thành. Phía Bắc giáp hoang man ở Bình Định”. Còn đất Hỏa Xá: “Phía nam và phía bắc đều giáp Lạc man. Giao giới của Thủy Xá và Hỏa Xá là hai quả núi đứng cao, địa thế như nóc nhà”…
Những ghi chép từ thư tịch cổ hoàn toàn phù hợp với việc xác định trung tâm Thủy Xá là làng Tao (Plei Tao), xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai và trung tâm Hỏa Xá ngày nay thuộc làng Ơi (Plei Ơi), xã Ajun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Đồng bào Tây Nguyên xưa. Ảnh tư liệu |
2. Cư dân Thủy Xá, Hỏa Xá gồm các bộ lạc và sống thành từng làng (plei). Sách “Phủ biên tạp lục” cho biết: Nước ấy có chừng hơn 50 thôn,… gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người. Thủy Xá, Hỏa Xá theo truyền thống gia đình mẫu hệ, con cái theo họ mẹ. Phụ nữ được quyền lựa chọn đàn ông làm chồng và chủ động trong hôn nhân. Sau khi cưới, người chồng sang sống bên nhà vợ. Khi ra ở riêng, con gái được chia một phần tài sản, trong khi con trai không có gì. Phụ nữ có vai trò trong các mối quan hệ liên minh gia đình, thị tộc, cũng như sự tồn vong và phát triển của dòng họ, cộng đồng…
Trong nước không đặt quan chức, cũng không bắt lính. Trị nước không có pháp luật, hình phạt. Quốc trưởng không có quân lính, thành quách, tự cày cấy mà ăn, tự dệt lấy mà mặc, không khác gì các sách trưởng. Quyền sinh sát đều do sách trưởng tự chuyên, quốc trưởng không dự đến… Dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút để ghi nhớ; cách sinh nhai thì chặt cây đào đất trồng trỉa, không có cày bừa. Hằng năm không nộp tô thuế, quốc trưởng cũng không trách thu.
Thủy Xá, Hỏa Xá có không gian văn hóa riêng và hết sức độc đáo. Sách “Đại Nam thực lục” cho biết: “Người hai nước này tính quê kệch, mộc mạc… không bao giờ có việc binh đao, người nào cũng có thói cổ”. Theo “Đại Nam liệt truyện chính biên” sơ tập thì đời sống văn hóa của Thủy Xá và Hỏa Xá gần giống nhau. Rượu thì đổ lẫn với nước lã cho vào cái chum, lấy ống trúc hút vào uống… Họ có nguồn sử thi, trường ca, truyện cổ hết sức phong phú và độc đáo như sử thi Xing Nhã, H’Bia Đrang, Đăm Di… Đặc biệt, nhiều nhạc cụ truyền thống như chiêng, cồng, đàn t’rưng, đàn t’nưng, đàn k’lông put… hết sức độc đáo, thể hiện sự tinh tế, tâm hồn phóng khoáng và đời sống văn hóa giàu bản sắc.
Tìm hiểu vùng đất Tây Nguyên xưa là tìm hiểu sự khởi nguồn tộc người và những đặc trưng văn hóa cộng đồng các dân tộc bản địa nhằm tôn vinh lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng dân cư, cùng những giá trị độc đáo, khác biệt và đa dạng trong bức tranh văn hóa Việt Nam; qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, để cùng nhau xây dựng đời sống mới ấm no, giàu bản sắc.
Nguyễn Đình Dũng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc