Multimedia Đọc Báo in

Giữ nhịp chiêng ngân

04:41, 16/12/2024

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng luôn được huyện Krông Ana đặc biệt quan tâm.

Ở xã Băng Adrênh, tiếng cồng chiêng, tiếng các loại nhạc cụ, những làn điệu dân ca, dân vũ vẫn vang vọng, hiện diện mỗi khi xã tổ chức ngày hội văn hóa, văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, hay các lễ hội truyền thống.

Hiện nay, hai buôn Cuê và K62 của xã đã xây dựng, duy trì hoạt động đội văn nghệ truyền thống gồm đội múa và đội chiêng. Năm 2024, xã phối hợp tổ chức 1 lớp truyền dạy đánh ching kram cho thiếu nhi. Trong nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Êđê, xã được tặng 1 bộ chiêng, 10 bộ trang phục truyền thống. Các thành viên trong đội văn nghệ thuộc nhiều thế hệ vừa tham gia sinh hoạt phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của mình, vừa truyền dạy cho con cháu trong buôn. Vì thế mà có thêm nhiều người trẻ yêu thích, quyết tâm học để giữ gìn vốn quý của dân tộc.

Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Krông Ana năm 2023.

Ngày còn nhỏ, anh Y Kốp Buôn Dap (dân tộc Êđê, buôn Cuê) đã quen nghe tiếng cồng chiêng, tiếng đinh năm, đinh tuk mỗi khi buôn có hội. Anh chia sẻ, mỗi âm thanh phát ra như lời nhắc nhở con cháu không được quên hồn cốt, bản sắc của dân tộc mình. Giữ niềm say mê với văn hóa truyền thống dân tộc, anh Y Kốp học và bắt đầu chế tác được một vài nhạc cụ như: đinh tuk, ching kram... Theo anh, muốn giữ nghề truyền thống, trước hết phải say mê, rèn tính kiên nhẫn, chịu khó quan sát và hơn hết ý thức được tinh thần trách nhiệm với nguồn cội của mình.

Ở các buôn Kuốp, buôn Kla (xã Dray Sáp) vào ngày lễ, hội, tiếng cồng chiêng cũng rộn rã, ngân dài từ đầu đến cuối buôn. Đặc biệt, từ khi buôn Kuốp được công nhận buôn du lịch cộng đồng thì các hoạt động văn hóa diễn tấu cồng chiêng đã được đưa vào chuỗi hoạt động, trở thành sản phẩm du lịch có sức hút, giao lưu và phục vụ khách tham quan. Buôn Kla được cấp 1 bộ chiêng knăh, 15 bộ trang phục truyền thống cho đội chiêng và tổ chức lớp nâng cao về cồng chiêng. Sau khi được cấp, buôn sử dụng bộ chiêng trong các lễ hội, lễ cúng, giao lưu văn hóa văn nghệ, tham gia sôi nổi vào các hội thi, hội diễn. Vào dịp nghỉ hè, già làng, người lớn tuổi trong buôn chủ động truyền dạy cho con cháu cách đánh chiêng đồng, về âm thanh cồng chiêng.

Đội chiêng "nhí" xã Băng A Drênh luyện tập đánh ching kram.

Để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, thời gian qua, huyện Krông Ana đã tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống, có liên quan đến cồng chiêng như: lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa, cúng sức khỏe, cúng vào nhà mới, cúng lúa mới… Hằng năm, ở các sự kiện quan trọng tại các thôn, buôn, tổ dân phố đều tổ chức biểu diễn cồng chiêng, đây cũng là không gian để nghệ nhân giao lưu và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, định kỳ hai năm một lần, huyện tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số với nhiều nội dung: thi dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, hòa tấu cồng chiêng… được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng. Huyện cũng tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng, dân ca, dân vũ tại các địa phương.

Không chỉ bảo tồn cồng chiêng từ việc gây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, huyện Krông Ana còn đưa cồng chiêng vào trường học để truyền dạy cho học sinh. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Krông Ana luôn duy trì đội chiêng trẻ. Hằng năm, nhà trường phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mời nghệ nhân về truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, dân ca, dân vũ cho học sinh. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ để trình diễn, giới thiệu văn hóa cồng chiêng, góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng niềm say mê, ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân tộc cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bà Vũ Thị Thành Huế, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Ana cho hay, công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần vun đắp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Trong định hướng phát triển du lịch, huyện xác định: văn hóa truyền thống 30 dân tộc chung sống trên địa bàn là cơ sở để hình thành, phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Ngược lại, du lịch cộng đồng cũng tạo cơ hội để bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa của đồng bào một cách bền vững, hiệu quả.

Huyện Krông Ana có trên 550 người biết diễn tấu cồng chiêng, 20 nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng, 5 nghệ nhân chỉnh chiêng. Toàn huyện có 8 đội chiêng truyền thống, 6 đội chiêng trẻ (từ 10 - 17 tuổi). Hiện nay, có 20 bộ chiêng đang được người dân địa phương gìn giữ, bảo quản.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc