Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Di tích Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tọa lạc tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là “địa chỉ đỏ”, là địa điểm không thể bỏ qua khi đến xứ Huế.
Khu di tích bao gồm: Nhà lưu niệm, bia tưởng niệm và nhà trưng bày bổ sung di tích. Trong đó, nhà lưu niệm là di tích gốc, trước kia là nhà ở của gia đình Đại tướng, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Trong nhà bày biện đơn giản, chủ yếu để thờ gia tiên của Đại tướng. Ngôi nhà do cụ Nguyễn Hán (thân sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) xây dựng vào năm 1926 theo kiến trúc nhà rường một gian hai chái, mái lợp bằng mây tranh, vách xây bằng gạch vồ.
Trải qua thời gian dài do chiến tranh và thiên tai tàn phá, ngôi nhà đã không còn nguyên vẹn, đến năm 1968 thì bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1978, thể theo nguyện vọng của nhân dân, huyện Hương Điền lúc đó đã đầu tư khôi phục lại ngôi nhà gần giống với ngôi nhà năm 1926 và trở thành nhà lưu niệm của Đại tướng.
Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Nhà bia tưởng niệm được xây dựng và hoàn thành vào năm 1999, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/1999), nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích, được thiết kế theo kiểu nhà tứ giác, mái lợp ngói. Ở vị trí trung tâm đặt một bia đá cao 3 m, rộng 1,7 m, trên đầu bia gắn hình ngôi sao 5 cánh, nội dung bia ghi tóm tắt tiểu sử, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, dưới chân bia đặt một bát nhang được mang từ mộ của Đại tướng ở nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội vào. Trước mặt bia là một khoảng sân rộng để tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, dâng hương, dâng hoa cho khách tham quan và nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống, kết nạp Đoàn, Đội cho các thế hệ trẻ ở địa phương.
Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng và hoàn thành vào năm 2002, nhân kỷ niệm 88 năm ngày sinh của Đại tướng. Ngôi nhà có diện tích 100 m2, bên trong trưng bày về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với hơn 100 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh các loại.
Vị trí trung tâm của ngôi nhà được dùng làm gian khánh tiết, bố trí một bức tượng đồng bán thân tỷ lệ 1/1 do con cháu trao tặng nhân 34 năm ngày mất của Đại tướng, phía sau bức tượng gắn biểu tượng Quốc kỳ và Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. Đó là biểu tượng thiêng liêng, cao quý; thể hiện lý tưởng suốt đời phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi của người cộng sản trung kiên - Nguyễn Chí Thanh.
Nội dung trưng bày được chia làm ba phần chính gồm: quê hương và gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Một con người trọn đời vì Đảng vì dân; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế.
Ngược dòng thời gian, trở lại những năm tháng hào hùng “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, khi được giao trọng trách vào chiến trường miền Nam với cương vị là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Kết quả của chiến thuật này là những chiến thắng liên tiếp: Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… Từ thực tiễn chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thành các bài báo gửi ra miền Bắc với các bút danh: Trường Sơn, Người quan sát, S.K.Z… Những chiến thuật mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vạch ra đã được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện đầy hiệu quả, mang lại nhiều chiến thắng trên chiến trường.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên của vị tướng tài ba này đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học… trên cả nước.
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (2024)
Hải Hồ
Ý kiến bạn đọc