Nét đẹp trong lễ rước hồn lúa về kho
Gìn giữ, phát huy những nghi lễ truyền thống, cộng đồng người M’nông Gar ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đã phục dựng và trình diễn thành công lễ rước hồn lúa về kho, một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của dân tộc mình.
Năm nay đã hơn 50 tuổi nhưng ông Y Krang Tơr (buôn T'lông, xã Đắk Phơi) vẫn nhớ như in những nghi lễ, phong tục của dân tộc. Ông cho biết, người M’nông Gar có nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời của cây lúa, kéo dài từ khi chuẩn bị cho đến lúc thu hoạch, như: mở đất – xin đất – làm rẫy – đốt rẫy – trỉa lúa – làm cỏ - làm đòng – lễ rước hồn lúa về kho và lễ ăn cơm mới. Trong đó, rước hồn lúa về kho là nghi lễ được tổ chức kỳ công và hết sức trang trọng.
Đội nghệ nhân M'nông Gar buôn Tơ Jông diễn tấu nghi thức "Mừng lúa đến nhà" của lễ rước hồn lúa về kho. |
Đầu mùa vụ, trên rẫy của mình, người M’nông Gar chừa lại một khoảnh đất có diện tích từ 10 - 15m2, gọi là rẫy thiêng. Vào ngày tổ chức lễ rước hồn lúa về kho, thường là những ngày cuối của vụ thu hoạch, từ sáng sớm, gia chủ đã có mặt tại rẫy thiêng. Đến giờ lành, một số phụ nữ trong buôn tiến hành nhổ toàn bộ cây lúa, bó thành từng bó và bỏ vào gùi. Tiếp đó, người làm lễ, cùng phụ nữ tham dự buổi lễ đã chuẩn bị những sợi dây được làm từ bẹ cây chuối hoặc dây rừng, cỏ lác, vừa đi vừa nối, tạo thành một sợi dây kéo dài từ mảnh rẫy thiêng về đến tận chân cột lễ của gia đình. Đây là nghi thức làm đường đưa hồn lúa theo về.
Sau khi xếp xong những gùi lúa xung quanh cột lễ, thầy cúng bắt đầu khấn lời Ngơi Bra (gọi Thần). Đây là một làn điệu cổ của người M’nông Gar, khác với lời khấn đọc theo vần như một số dân tộc khác. Thực hiện những nghi thức này, người M’nông Gar không đánh chiêng đồng mà sử dụng nhạc cụ được làm từ tre nứa, như: diễn tấu chinh Đưng, Tưng Gơh, thổi khèn Mơ Poh…, vì họ quan niệm tre, nứa là bạn bè của lúa nên hồn lúa thích nghe những âm thanh mộc mạc đó hơn là tiếng chiêng đồng; thậm chí có người còn cho rằng đánh chiêng đồng ồn ào thì hồn lúa sẽ bỏ đi.
Khi vị thầy cúng khấn xong điệu Ngơi Bra, mọi người bắt đầu tuốt lúa vào những cái nong để sẵn, rồi dùng hai tay vốc lúa bỏ vào một quả bầu khô. Theo quan niệm của người M’nông Gar, quả bầu khô chính là “phòng ngủ của hồn lúa”. Khi trái bầu khô đầy ắp hạt lúa, vị thầy cúng trang trọng đặt quả bầu khô vào kho lúa, đóng cửa kho để hồn lúa được nghỉ ngơi và ở lại gia đình. Lúc này nghi lễ rước hồn lúa về kho đã hoàn tất, tiếng chiêng đồng mới được vang lên, không khí mừng lễ hết sức rộn ràng và mọi người cùng tấu bài “Mừng lúa đến nhà”.
Đồng bào buôn Tơ Jông (xã Đắk Phơi) thực hiện nghi thức làm đường đưa hồn lúa theo về. |
Ngoài rước hồn lúa về kho, những năm gần đây người M’nông Gar còn làm lễ rước hồn cà phê, lễ rước hồn sầu riêng về kho… Nghi lễ này mang ý nghĩa bà con luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn những sản vật đã mang lại đời sống ấm no, sung túc, cũng như cầu mong cho hồn lúa, hồn cà phê, sầu riêng… ở lại với gia đình, tiếp tục sinh sôi, phát triển ở những mùa vụ tiếp theo.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho biết, lễ rước hồn lúa về kho được hình thành từ cuộc sống lao động, phản ánh tín ngưỡng tâm linh, nét văn hóa gắn kết giữa tự nhiên và thế giới tinh thần của người M’nông Gar. Các hoạt động gìn giữ, phục dựng những nghi lễ truyền thống đã và đang góp phần lưu truyền cũng như giữ nguyên giá trị văn hóa, bản sắc của đồng bào M’nông Gar cho các thế hệ tiếp theo.
Xã Đắk Phơi có 1.500 hộ với hơn 7.700 khẩu, trong đó hơn 1.300 hộ dân tộc M’nông Gar. Triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719), nhiều hoạt động phục dựng nhằm gìn giữ các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số được các sở, ban, ngành cùng địa phương tích cực thực hiện.
Về phía xã đã thành lập đội văn nghệ truyền thống M’nông Gar ở buôn T'lông để hỗ trợ, phục dựng và tổ chức biểu diễn, trình diễn các nghi lễ truyền thống như lễ rước hồn lúa về kho, lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào M’nông Gar trên địa bàn.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc