Thăm Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút
Di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút gắn liền với chiến công hiển hách của người anh hùng Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn chống quân Xiêm vào năm 1785, diễn ra trên đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Di tích này đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014.
Di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút nằm cạnh bờ sông Tiền hiền hòa với những cây bần, dừa nước xanh tươi đua nhau vươn mình trong nắng; phía trên là mặt tiền Tỉnh lộ 864 nên khách tham quan đến đây bằng thuyền hay xe đều thuận tiện.
Khu di tích được khánh thành vào ngày 20/1/2005, nhân kỷ niệm 210 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, với tổng diện tích hơn 2 ha gồm ba khu vực: Nhà trưng bày số 1 nằm ngay dưới chân tượng đài, Nhà trưng bày số 2 nằm cạnh bờ sông và một nhà cổ Nam Bộ. Đứng từ xa nhìn lại quả là một khu di tích đẹp, thoáng mát và thơ mộng, với nhiều loại hoa kiểng phong phú, muôn màu.
Nổi bật hơn cả là hình ảnh Nguyễn Huệ oai phong đứng trên chiến thuyền đang rút gươm, bên dưới là nghĩa quân Tây Sơn người chèo thuyền, người giương nỏ nhìn về phía sông Tiền như đang chuẩn bị xông lên, tấn công quân Xiêm xâm lược. Rạch Gầm – Xoài Mút là nơi đầu tiên ở phía Nam diễn ra trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm vào đêm 19 rạng 20/1/1785. Trận chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm, số còn lại vừa chạy vừa phải thốt lên rằng: “Sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. |
Tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 m, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện. Vòng ngoài nhà trưng bày (dưới chân tượng) là dãy phù điêu bằng đồng bao bọc chung quanh, diện tích 90 m2, nặng khoảng 6 tấn. Hoa văn trên dãy phù điêu chạm khắc hình người và chim lạc được cách điệu từ mặt trống đồng. Trên vách bên trong nhà trưng bày là dãy tranh ghép gốm màu gồm 4 chương: khẩn hoang, lập ấp, trận thủy chiến và khải hoàn.
Thua trận này, ngoài vấn đề chiến thuật, có lẽ ấn tượng lớn nhất của quân Xiêm là các loại vũ khí của quân Tây Sơn sử dụng. Các loại vũ khí này đã được phục chế và được xuất hiện trong hai nhà trưng bày. Bộ sưu tập có gần 600 hiện vật bao gồm những khẩu súng thần công đúc bằng sắt nặng 20 kg, đá đạn của súng sưu tầm rất nhiều ở đoạn sông Rạch Gầm – Xoài Mút, bảng vẽ miêu tả súng hỏa hổ… cùng những đồ dùng của quân Xiêm bại trận như đồ gốm, gươm… và những hiện vật khác có liên quan sau chiến thắng: tiền Thái Đức, tiền Quang Trung, tiền Cảnh Thịnh hay ảnh kênh Bà Bèo…
Nhìn về phía đông khu trưng bày là ngôi nhà cổ Nam Bộ trong khuôn viên khu di tích. Ngôi nhà như gợi lại quá khứ thuở cha ông đi khẩn hoang mở đất, để sau đó xây dựng nên một vùng đất trù phú ở phía Nam Tổ quốc. Bước vào bên trong, du khách dễ cảm nhận những nét quen thuộc trong xây cất nhà ở phương Nam. Nhà được xây dựng ba gian, hai chái, 48 cột gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương với diện tích 225 m2. Ngay gian giữa có bàn thờ tổ tiên với đầy đủ lư hương, bình hoa, mâm ngũ quả. Hai gian bên có tủ kính chưng các loại chén, bình cổ có từ thế kỷ 18, phía trước có bộ ván và hai chiếc bàn tròn bằng gỗ quý. Đây là nơi dùng để trưng bày và tiếp khách.
Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một địa điểm thú vị cho những du khách muốn tìm về với văn hóa – lịch sử.
Lê Quang Huy
Ý kiến bạn đọc