Ngôn ngữ màu sắc trong bức tranh điện ảnh “Anora”
Bộ phim “Anora” của Sean Baker vừa chiến thắng vang dội tại Lễ trao giải Oscar 2025, giành được 5 hạng mục quan trọng nhất: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ chính xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc và Dựng phim xuất sắc.
“Anora” như một phiên bản dang dở và tan nát của giấc mơ nàng Lọ Lem, giữa Ani – vũ nữ thoát y một hộp đêm ở New York, Mỹ (do Mikey Madison thủ vai) với khách hàng chơi sộp là con trai của một tài phiệt người Nga...
“Anora” là một bức tranh điện ảnh, nơi màu sắc không chỉ là yếu tố trang trí mà còn là một ngôn ngữ. Trong bộ phim pha trộn giữa lãng mạn, trào phúng và bi kịch hài này, màu đỏ đóng vai trò then chốt, xuất hiện gần như trong mọi phân cảnh.
![]() |
Ani (phải) và Galina Zakharov - mẹ Ivan (trái). |
Màu đỏ thường gắn liền với những cảm xúc mạnh mẽ như tình yêu, đam mê và cơn giận dữ. Bên cạnh đó, màu sắc này cũng có thể tượng trưng cho quyền lực, bạo lực, sự hy sinh hoặc thậm chí là cảnh báo mối nguy hiểm tiềm tàng. Không chỉ vậy, màu đỏ từ lâu còn gắn liền với ngành mại dâm (chẳng hạn như thuật ngữ “khu đèn đỏ” dùng để chỉ các khu phố hoạt động mại dâm) và trong “Anora”, ý nghĩa của màu sắc này cũng không ngoại lệ khi nó vừa tượng trưng cho cơ hội đổi đời vừa là biểu tượng của sự áp bức.
Chiếc khăn quàng đỏ đặc trưng trong phim xuất hiện lần đầu trong cuộc chạm trán bạo lực giữa Ani và “tay chân” của gia đình Zakharov và được dùng để bịt miệng cô. Chiếc khăn này thuộc về mẹ thiếu gia Ivan (diễn viên người Nga Mark Eydelshteyn thủ vai), nó vừa là sợi dây trói buộc hữu hình vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Và chiếc khăn quàng đắt tiền, sang trọng này là thứ đại diện cho sự nguy hiểm đầy quyền lực và giàu có đang rình rập xung quanh nữ chính, trói buộc tự do của cô.
Nhưng “sợi xích” màu đỏ này lại đổi vai trò khi nó trở thành thứ giữ ấm cho cô giữa đêm đông lạnh lẽo trên cuộc hành trình đi săn lùng Ivan cùng những thuộc hạ nhà Zakharov. Lúc này đây, chiếc khăn đỏ này còn đại diện cho cơ hội đổi đời mà Ani đang cố níu giữ lấy. Trong cơn khủng hoảng, Ani vẫn tự trấn tĩnh bản thân bằng giấc mơ về một cuộc sống giàu sang, phú quý.
Thế nhưng, sự sang trọng và nguồn gốc vay mượn của nó chỉ càng nhấn mạnh sự lạc lõng của Ani: đây là một vật phẩm thuộc về một thế giới chỉ chấp nhận cô miễn là cô vẫn tiếp tục diễn vai trò của mình trong một xã hội bất công. Sau khi đối đầu và thất bại trước mẹ của Ivan ở hồi kết của phim, Ani vứt bỏ chiếc khăn đỏ vào mặt bà. Đây cũng là lúc cô vứt bỏ đi lời hứa hẹn về một cuộc đổi đời. Nhưng đồng thời, đó cũng là khoảnh khắc cô giành lại tự do của mình. Chiếc khăn đỏ mất đi, sự trói buộc của nhà Zakharov quấn quanh cổ Ani cũng biến mất. Màu đỏ, vốn gắn liền với đam mê giàu sang và quyền lực, giờ đây lại thể hiện sự bài trừ của giới thượng lưu, nhắc nhở rằng thứ sắc đỏ của tiền tài đó luôn nằm ngoài tầm với của Ani.
![]() |
Ani bị "tay chân" nhà Zakharov bịt miệng bằng khăn quàng đỏ. |
Không chỉ riêng màu đỏ, màu xanh dương và trắng cũng xuất hiện nhiều không kém. Sự phối hợp của ba màu này có thể xem như đang đại diện cho quốc kì của Mỹ, hay nói cụ thể hơn là “giấc mơ Mỹ” của cả Ani lẫn Ivan.
Việc lặp lại hai gam màu đỏ và xanh xuyên suốt bộ phim đóng vai trò như một mô típ thị giác có chủ đích, củng cố những chủ đề cốt lõi của tác phẩm. Trang phục của Ani, đặc biệt là chiếc váy bó màu xanh ngọc mà cô mặc trong lần đầu đến biệt thự của Ivan, ban đầu tượng trưng cho hành trình biến đổi. Thế nhưng, quyền lực mà bộ trang phục này mang lại chỉ là một lớp vỏ mà cô khoác lên để nhập vai vào giới thượng lưu và nó nhanh chóng trở nên vô nghĩa khi cô trực tiếp thách thức trật tự giai cấp. Sự chuyển đổi của bảng màu phim, từ những tông màu vàng ấm áp của hy vọng sang những gam màu lạnh lẽo và u buồn. Hành trình của Ani vươn lên từ khu Brighton Beach đến đám cưới ở Las Vegas và quay trở lại điểm xuất phát đã phá vỡ mọi ảo mộng của cô về một câu chuyện Lọ Lem thời hiện đại, rằng một người thuộc tầng lớp ngoài rìa xã hội sẽ được chào đón tại “vương quốc” xa hoa.
Hành trình của Ani là câu chuyện vừa mang tính cá nhân vừa mang tính tập thể - một sự phản ánh về hàng triệu con người dám mơ ước bất chấp mọi khó khăn. Với việc sử dụng màu đỏ, bộ phim khắc họa nghịch lý của cái đẹp và sự tàn nhẫn, tạo nên một bức chân dung cảm xúc và thị giác về những giấc mơ. “Anora” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc với một cái kết phi thời gian, mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về cái giá của khát vọng trong một xã hội đầy bất công.
Kinh Quốc
Ý kiến bạn đọc