Vang tiếng đàn tính, hát then ở Cư Prông
Mỗi tối thứ bảy hằng tuần, tại nhà bà Phan Thị Duyên ở thôn 10, xã Cư Prông (huyện Ea Kar) lại vang vọng tiếng đàn tính trầm bổng, mượt mà, quyện cùng làn điệu then ngọt ngào sâu lắng.
Những giai điệu ấy do thành viên Mô hình “Hát then – Đàn tính” thôn 10 thể hiện, là cách họ gìn giữ bản sắc của dân tộc Tày trên vùng đất Ea Kar.
Trong bộ trang phục truyền thống, cầm nâng niu cây đàn tính, ông Hoàng Văn Khảo (SN 1966, dân tộc Tày, thành viên mô hình) chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1989, ông đưa vợ cùng các con vào thôn 10, xã Cư Prông lập nghiệp. Khi rảnh rỗi, ông lại lẩm nhẩm lời then mượt mà cho vơi nỗi nhớ quê. “Lời then, đàn tính có sức sống mạnh mẽ, gắn với đời sống tâm linh trong cộng đồng người Tày chúng tôi”, ông Khảo bày tỏ.
![]() |
Các thành viên của Mô hình “Hát then – Đàn tính” thôn 10, xã Cư Prông (huyện Ea Kar) trong một buổi biểu diễn. |
Nói xong, ông Khảo cao hứng gảy đàn, hát: “… Đường về quê chúng em xa vời/ Vượt mười non chín sông người ơi/ Có đào nở rộ, có mận chín đấy/ Óng ánh mật ong thơm ngạt ngào/ Cả bản làng sống giữa trời mây…”.
Đối với ông Khảo, hát then, đàn tính là một phần tâm hồn, tình cảm, mang theo khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo bà Thục Thị Liễu, Phó Chủ nhiệm Mô hình “Hát Then – Đàn tính” thôn 10, người dân trong thôn chủ yếu là dân tộc Tày, di cư từ các tỉnh phía Bắc. Sống ở quê hương thứ hai, điệu then, đàn tính vẫn vang lên từ những nếp nhà, lúc chiều tà, làm xóa tan nỗi nhọc nhằn, vất vả sau ngày dài lao động trên nương rẫy.
Nhằm tạo điều kiện cho những người yêu hát then, đàn tính trong thôn có nơi để sinh hoạt, giải trí, góp phần làm phong phú thêm bản sắc các dân tộc huyện Ea Kar, tháng 10/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư Prông đã thành lập Mô hình “Hát Then – Đàn tính” gồm 13 thành viên là người dân tộc Tày (11 nữ, 2 nam), thành viên lớn tuổi nhất 71 tuổi, nhỏ tuổi nhất 51 tuổi. Mặc dù đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, mô hình cũng không có người truyền dạy, kinh phí hoạt động cũng hạn hẹp, nhưng các thành viên vẫn luôn sắp xếp thời gian tham gia sinh hoạt đầy đủ. Họ cùng nhau lên mạng xem những video dạy hát then, đánh đàn tính rồi luyện tập, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, người chưa biết, dần dà họ đã thuộc làu nhiều lời then, đánh đàn tính thành thạo. Ban chủ nhiệm mô hình cũng dựa vào làn điệu then cổ để đặt lời mới với nội dung ca ngợi tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, phong cảnh quê hương…
![]() |
Thành viên mô hình tập luyện những điệu then cổ. |
Bà Lý Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Prông cho biết, Hội rất quan tâm đến các mô hình, câu lạc bộ gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc sống trên địa bàn xã. Mô hình “Hát then – Đàn tính” ở thôn 10 sau thời gian ngắn được thành lập đã tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương. Trên địa bàn xã hiện cũng đã xây dựng thêm 2 mô hình hát then đàn tính ở thôn 3 và thôn 15.
Để các mô hình hoạt động hiệu quả, tiếp tục nhân rộng, duy trì sinh hoạt trong cộng đồng, thời gian tới, Hội LHPN xã tích cực phối hợp với các nghệ nhân, người có kinh nghiệm mở các lớp dạy hát then, đàn tính cho hội viên phụ nữ, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các thành viên tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, từ đó, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc