Bên dòng Lô còn ấm tiếng Bác Hồ
Nằm bên dòng sông Lô hiền hòa với bao chiến công lịch sử, Di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh thiêng liêng của vị lãnh tụ dân tộc.
Theo tư liệu lịch sử, trong những tháng đầu năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng tự do để chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc nên trên bầu trời Phú Thọ ngày nào cũng có máy bay địch do thám, oanh tạc.
Vì vậy, những địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương đóng không ở được lâu, phải thay đổi luôn. Vào 19 giờ ngày 29/3/1947, Bác Hồ và đoàn rời Chu Hóa đi dọc theo Quốc lộ 2 qua các xã Tiên Kiên (Lâm Thao), Phú Lộc, Phú Hộ, Chân Mộng (Phù Ninh) trên quãng đường dài gần 50 km, đến 5 giờ chiều ngày 30/3/1947 mới đến địa điểm mới là xã Yên Kiện (huyện Đoan Hùng).
![]() |
Đền thờ Bác Hồ tại xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ) được xây dựng khang trang. |
Tại Yên Kiện, các đồng chí trong đội công tác Trung ương và cán bộ địa phương bố trí cho Bác ở nhà ông Nguyễn Hữu Đa, xóm Đình Mụ. Đó là ngôi nhà gỗ 3 gian, lợp mái cọ, cách Quốc lộ 2 hơn 2 km về phía Tây, sau nhà là rừng. Nhà có 3 gian, nhưng giữa nhà để án gian nên rất chật, vì vậy buổi tối khi đi ngủ, Bác và các đồng chí phục vụ phải tháo cánh cửa kê xuống đất làm phản nằm. Trong những ngày ở Yên Kiện, ngày nào máy bay địch cũng hoạt động mạnh, chúng bay rất thấp để do thám tình hình, vì vậy Bác và các đồng chí ban ngày phải đem balo, tài liệu vào rừng làm việc, tối mới về nhà ngủ.
Vùng đất Yên Kiện giáp với căn cứ địa Việt Bắc, nơi làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ suốt thời kỳ kháng chiến nên Bác đã làm việc rất nhiều. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh thường xuyên đến báo cáo công việc với Bác. Trong những ngày ở Yên Kiện, Bác đã ký hai sắc lệnh là Sắc lệnh số 39/SL “Hủy bỏ tất cả các kiểu tem trước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19/2/1946, ấn định cách thức thu thuế, tem trước bạ mới”; Sắc lệnh số 40/SL “Cho phép một kiều dân Trung Hoa được nhập quốc tịch Việt Nam”.
Cũng theo tư liệu lịch sử, từ cuối tháng 3/1947 trở đi, chiến sự ngày càng lan rộng. Thực dân Pháp gấp rút chuẩn bị mở đợt tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc hòng chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương Đảng đã chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tối ngày 1/4/1947, ô tô đón Bác lên đất Tuyên Quang.
![]() |
Ngôi nhà ông Nguyễn Hữu Đa - nơi Bác từng ở và làm việc. |
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Yên Kiện được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 11/12/2008. Đến tháng 3/2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về làm việc ở Yên Kiện, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã khởi công xây dựng công trình bảo quản, phục hồi di tích tại khu 4, xã Yên Kiện, trên nền khu đất nhà ông Nguyễn Hữu Đa. Công trình được khánh thành vào tháng 9/2018. Khu lưu niệm gồm có các hạng mục công trình như cổng vào, nhà lưu niệm, ngôi nhà nơi Bác Hồ ở và làm việc, vườn cây, ao cá. Hằng năm, khu di tích đón hàng nghìn lượt du khách và nhân dân mọi miền đến thăm và trải nghiệm.
Khu lưu niệm là di tích lịch sử gắn với chặng đường hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ của Bác Hồ trên đường về căn cứ địa Việt Bắc trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, bên dòng Lô hiền hòa, vẫn như vang vọng lời Bác và những hình ảnh thiêng liêng của Người trên mảnh đất trung du Đoan Hùng, là “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc