Sách của mỗi người
Cách nay chừng một thập kỷ, nhiều nơi, nhất là ở thị xã, thành phố đều có những hiệu sách. Gọi là hiệu sách vì thuần chỉ có sách được bày ngay ngắn trên kệ trong một ki ốt nhỏ hình hộp dọc bên đường hay góc phố rợp bóng cây.
Mặt trước hiệu sách, thường là cánh cửa mở theo chiều trên xuống, có giá đỡ, bày các loại báo và tạp chí.Với một người mê đọc sách báo thì hiệu sách sẽ là chốn thường xuyên lui tới, một tháng ít nhất cũng hai lần, đến mua sách báo hoặc thuê truyện. Có lẽ, trong ký ức mỗi người, hiệu sách ấy luôn tồn tại với những gì gần gũi và thiết thân nhất. Ở đó, chúng ta được vui buồn, được khóc cười và được thoải mãn những ước mơ mà thiên đường từ sách báo mang lại.
Tôi vẫn nhớ như in những hiệu sách ở thị xã, nay là thành phố, cách nhà hơn hai chục cây số. Cứ mỗi tháng hai lần tôi đạp xe lên đấy để thuê truyện, hoặc đọc “cọp” sách báo, lý do không có tiền hoặc tiền chỉ đủ mua một trong hàng trăm cuốn được bày bán ở quầy mà thôi. Nhớ không gian chật chội phảng phất hương giấy mới, cả cái mùi mốc của những cuốn sách cũ được xếp ken dày trong một góc, ít người đụng đến. Những hiệu sách dường như bừng thức khi có người bước vào. Một sự thức tỉnh của sự xuýt xoa, vỡ òa và tấm tắc. Giữa một rừng sách, chứa đựng cả thế giới tự nhiên và cuộc sống con người đang yên lặng ngủ thì những bàn tay lật từng trang nhẹ nhàng sẽ làm cho thế giới ấy sống động hơn. Tôi như bị thôi miên trong “khu rừng” kiến thức ấy. Những giá gỗ cũ thẫm màu dọc tường, những cuốn sách xếp sát thẳng hàng với nhau. Trong sách là một thế giới ngôn ngữ đang chìm nhòa vào giấc ngủ yên… Người mê sách, thích đọc sách sẽ đánh thức giấc ngủ ấy và lần lượt mang nó về bày trên những bàn học thuở học trò. Sách sẽ nằm gối đầu lên nhau thư thái và yên bình.
Minh họa: Trà My |
Có người ví von, sách nằm trên giá nơi hiệu sách là sách “ngủ” còn khi được bạn đọc mang về bày trên bàn là sách đã “thức”. Mà khi sách đã “thức” thì tâm tính và tình cảm của nó sẽ xôn xao khi bàn tay chúng ta chạm đến, khi ánh mắt chúng ta nhìn vào. Sách hân hoan mở toang lòng mình cho người đọc nó. Sách có lúc buồn, có lúc vui qua những tri thức được giãi bày, những lĩnh vực trí tuệ được đúc kết.
Tôi đã quá phấn khích khi lạc vào một hiệu sách, ba bên bốn phía đều là sách. Sách bày trên giá cao, sách xếp dưới tầng thấp. Sách đặt trên bàn, sách kê dưới mặt sàn. Mở sách ra là cả một miền suy tưởng bất tận. Ở đó có thể một vùng cỏ xanh tươi tốt ở một sườn núi hoang, đầy đá. Một dòng nước mát nhẹ men theo con suối nhỏ giữa bãi sa mạc cỗi cằn. Trong cái nắng hè gay gắt, lẫn lộn giữa trảng cát nóng là những mảnh pha lê trong suốt. Cứ đắm chìm với sách, mặc thời gian bên ngoài trôi đi, mặc thành phố đã khoác lên mình màu sẫm tối, vòng xe vội vã.
Tình cờ, một lần ngang qua con đường cũ, nơi từng tọa lạc những hiệu sách, lòng tôi bỗng xôn xao. Nhớ cô bán sách dễ gần, thuộc tên và nội dung nhiều loại sách. Cô rất kiên nhẫn và vui vẻ trước một người mê đọc sách như tôi. Cứ mỗi khi thấy tôi đạp xe tới, cô đều nở nụ cười. Có những lần tôi phải tranh thủ đạp xe lúc trưa vì sợ một tập san có bài đăng người khác mua mất. Nhìn mồ hôi lấm tấm trên mặt, nhịp thở thì mệt nhọc, cô bảo rằng: cháu yên tâm, đến kỳ báo ra cô sẽ để dành cho cháu…
Tôi đứng ngây người giữa phố xá xô bồ, đông đúc. Niềm hoài nhớ lưng chừng đứt nối về những cuốn sách là ngọn núi cao của tình người và tinh hoa trí tuệ nhân loại. Cũng như những ngày đã qua và ở hiện tại tôi cầm cuốn sách trong tay và mở ra để chào đón, để gặp lại những điều xưa cũ và mới mẻ. Tôi thầm nghĩ cuộc sống dù có ngọt ngào đến đâu, đầy đủ như thế nào đi chăng nữa, nếu như không có sách thì vô hình trung suy nghĩ của bản thân sẽ triệt tiêu mọi khả năng mơ mộng và tưởng tượng.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc