Multimedia Đọc Báo in

Suối nguồn yêu thương từ “Mùi mẹ”

08:57, 13/03/2022

“Mùi mẹ” là cuốn sách đầu tiên nằm trong dự án xuất bản sách cho các tác giả Việt Nam của Spiderum. Tuy đã xuất hiện trên diễn đàn văn chương từ năm 2020, nhưng hiện tạp văn “Mùi Mẹ” của tác giả Việt Hà vẫn thu hút được nhiều độc giả tìm đọc vì chính sự chân thành qua từng câu chuyện mà chị kể lại trong hành trình làm mẹ của mình.

Cuốn sách ấn tượng ngay từ tựa đề “Mùi mẹ”. Chỉ nghe tên sách thôi đã gợi lên một cảm giác thân thương, xúc động. Mùi của mẹ là hương thơm từ tình yêu thương vô bờ mà chỉ những đứa con mới cảm nhận được. Mùi hương đó như một thứ năng lượng mơ hồ và đặc biệt riêng, chất chứa yêu thương hữu hình, là thứ tín hiệu cho bình yên và ấm áp, an toàn và che chở. Thông qua trực giác những đứa trẻ khi mới chào đời đều cảm nhận rất rõ được “mùi” của mẹ và được duy trì bền lâu cho đến những năm tháng sau này của cuộc đời. Mùi thơm đó của mẹ vì thế mà trở thành một phần ký ức tươi đẹp của mỗi người con về mẹ và tình yêu của mẹ dành cho mình. Bởi thế nên tác giả khẳng định:“Mùi của mẹ, là mùi hương kỳ diệu nhất trên đời!”.

Tạp văn "Mùi mẹ" của tác giả Việt Hà do Spidrum và Nhà Xuất bản Thế giới phát hành.

Đọc “Mùi mẹ” ta như đang thấy hình ảnh của chính mình, hay của chính gia đình mình ở đâu đó trong từng lát cắt của cuộc đời. Đó là những trải nghiệm của người phụ nữ từ khi còn là thiếu nữ, đến khi lập gia đình rồi sinh con và làm mẹ. Là những cung bậc cảm xúc, tình cảm thiêng liêng của gia đình, không chỉ đơn thuần là tình cảm giữa mẹ con mà còn có tình cảm của những người được xem là máu mủ ruột rà với nhau, dẫu có ở xa cách nhau cả ngàn cây số. Tự nhận mình không hoàn hảo nhưng chưa bao giờ ngừng khao khát hoàn thiện bản thân trong những vai trò khác nhau: người con gái, người phụ nữ, người mẹ được tác giả thể hiện qua lối viết mộc mạc, câu từ dung dị và những suy ngẫm đầy tình cảm tha thiết với cuộc sống, đầy niềm tin vào những điều tốt đẹp, dẫu trong hành trình trưởng thành có đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Người phụ nữ, người mẹ, người con gái trong cuốn sách này tin rằng hạnh phúc có thể đến từ những điều không hoàn hảo, và chị luôn nỗ lực để gây dựng hạnh phúc ấy cho những người thân yêu, cho cả chính mình.

Ở “Mùi mẹ” không có lời khuyên hay bất kì một công thức nào về việc làm mẹ, cũng không có bí kíp thành công nào để trở thành một bà mẹ siêu phàm, mà khi đọc đến những trang cuối cùng, bạn đọc sẽ thấy được những góc tối nho nhỏ trong hành trình tìm kiếm bản thân, tìm kiếm hạnh phúc của mình. Rồi qua đó có thể rút ra được những triết lý sống, như việc định nghĩa về cái chết: “Cái chết thực ra chỉ là một chuyến đi xa. Thân xác mất đi, linh hồn ở lại và chuyển đến sống ở một thế giới khác”.  Và học cách thực sự chấp nhận cái chết như một phần của sự sống, bình thản đón nhận những quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, để từ đó thiết tha hơn với cuộc đời: “Trong đời, mình sợ nhất là phải ân hận. Sợ nhất là đã không làm điều gì đó mình thực sự cần và muốn làm. Mình thà ân hận vì đã làm một việc sai, còn hơn là không làm gì để rồi đứng ngồi day dứt… có lẽ mình bị ám ảnh rằng rất có thể hôm nay sẽ là ngày cuối cùng mình được sống nên ngày nào cũng sống tận sức mình, ngày nào cũng sợ nhỡ mình không còn cơ hội để làm những việc muốn làm, nhỡ hôm nay chính là ngày cuối ấy”.

Tạp văn “Mùi mẹ” gồm có 4 chương. Chương 1: Mùi Mẹ, Chương 2: Người lớn ơi, Chương 3: Sao mình không tha thiết với nhau hơn, Chương 4: Nếu mai là ngày cuối. Sẽ dành cho những ai muốn được lắng lại trong nhịp sống gấp gáp để nhìn sâu vào bên trong mình và nhìn rộng ra thế giới luôn tin rằng tình cảm gia đình có thể bồi đắp tâm hồn mỗi người. Chúng ta có thể quên đi nhiều thứ, nhưng "mùi mẹ" sẽ theo ta mãi mãi trong hành trình làm người.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.