Multimedia Đọc Báo in

Hương bánh thuẫn - vị Tết quê xưa

12:33, 20/01/2023

Mấy chục năm rời làng ra phố là cũng ngần ấy thời gian tôi đón Tết ở chốn thị thành. Vậy mà thật lạ, cứ đến những ngày cuối năm, vị Tết quê xưa không hề hẹn trước lại trở về thật rõ ràng, sống động. Giữa vô vàn mùi hương của những cái Tết thời thơ dại, tôi nhớ đến nao lòng vị ngọt đầy mê hoặc của những chiếc bánh thuẫn vàng hươm vừa mới ra khuôn.

Bánh thuẫn là một dạng của bánh bông lan, mềm mịn, có màu vàng bởi sự quyện hòa giữa bột và trứng được đổ thủ công nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn những đứa trẻ lớn lên từ làng mà giờ dù đã xa quê vẫn chẳng thể nào quên được. Nguyên liệu chính để làm bánh thuẫn là bột bình tinh, bột nở, trứng gà, gừng, va ni và đường cát.

Các công đoạn làm bánh không quá cầu kỳ như những loại bánh nướng khác nên những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, ở quê tôi, cứ gần đến Tết nhà nào cũng mượn chiếc khuôn bằng đồng về đúc bánh. Tôi thích nhất là chiều muộn ngày giáp Tết, lạnh cắt da cắt thịt, bên bếp than ấm sực, mấy chị em tôi ngồi nhìn mẹ đúc bánh thuẫn.

Dưới bàn tay khéo léo của mẹ, từng mẻ bánh vàng ruộm, nóng hổi ra khuôn với mùi thơm ngọt ngào không thể nào diễn tả được. Phải còn mấy ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, vậy mà nhìn những chiếc bánh đều tăm tắp như những bông hoa nằm xếp bên nhau trong chiếc sàng tre sấy trên bếp than hồng tôi cứ ngỡ như mùa xuân đã về chạm ngõ.

Minh họa: Trà My

Thời gian qua mau theo bao mùa thu đông xuân hạ. Chị em tôi lớn lên rồi cũng theo chồng, xa rời làng quê bé nhỏ. Những đêm tháng chạp buốt giá năm nào được mẹ cho nếm thử mùi vị mẻ bánh thuẫn mới đúc đầu tiên trong căn bếp lợp tranh ám đầy muội khói giờ chỉ còn trong ký ức.

Bây giờ, ở nơi đâu cũng có đủ loại bánh trái bày bán trong các cửa hàng bách hóa, siêu thị, chợ truyền thống, mặc sức mà lựa chọn, mặc sức mà mua, mấy ai còn mặn mà quạt than, đánh bột, đúc bánh thuẫn như những ngày Tết một thời.

May thay, ở trên đất cao nguyên này, những ngày giáp Tết, đi qua chợ nhỏ vẫn thấy có hàng đúc bánh thuẫn. Đối với tôi, bánh thuẫn không chỉ dâng cúng tổ tiên ông bà, để mời khách trong ba ngày Tết mà còn là một miền hoài niệm, là một thức quà đậm vị Tết quê hương nên năm nào tôi cũng ghé lại mua vài chục bánh. Cầm trên tay món quà quê, mùi vị dân dã, mộc mạc như đưa tôi về với chiều ba mươi Tết thuở nào, nhà ai cũng hối hả gói bánh tét, bánh tày, bánh ít nhân mặn, đúc bánh thuẫn, bánh hộc, làm mứt gừng... Mùi khói bếp củi ủ vỏ trấu quyện với mùi hương bánh trái theo từng cơn gió lạnh thơm nức từ đầu thôn đến tận cuối làng. Cầm trên tay món quà quê, mùi vị quen thuộc như đưa tôi trở về với sáng mồng một Tết, nhà nhà rộn rã tiếng nói cười của các o, các dì, các chú, các bác đến xông đất đầu năm mới; đường quê hân hoan niềm vui trên gương mặt bao bé em chạy khoe tà áo đẹp; đình làng nghiêm trang áo dài, khăn đóng của các cụ già thành kính thắp nhang trầm cầu mong một năm sung túc, an lành...

Mong sao hương bánh thuẫn, mùi vị đặc trưng của những cái Tết ấm áp tình thân xóm làng họ mạc nơi chốn quê xưa vẫn mãi còn có mặt ở thành phố nhộn nhịp này, như là một chút hồn quê neo đậu để mỗi Tết về những người xa xứ vơi bớt nỗi nhớ cố hương.

Mai Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hạt
12:32, 20/01/2023
Ký ức tò he
12:32, 20/01/2023
Bóng làng
09:37, 19/01/2023
Cuối năm
08:54, 14/01/2023
Cho em nhớ
08:54, 14/01/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.