Trong trẻo “Những phiến lá xanh non”
“Những phiến lá xanh non” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành là tập sách tập hợp những tác phẩm của các trại sinh khi tham gia Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022 được Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức.
Tập sách gồm có 41 tác phẩm của 20 trại sinh Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng. Sách được trình bày đẹp mắt với những minh họa đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần duyên dáng và dễ thương phù hợp với lứa tuổi học trò. Đặc biệt với những câu chuyện mà các em viết nên sẽ đưa người đọc đến với thế giới của tuổi thơ, tuổi học trò hồn nhiên trong sáng. Đó sẽ là những cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Những kỷ niệm đáng yêu của đứa cháu với ông bà mình trong “Chiếc chân giả của ông tôi” (Nguyễn Lê Khanh), hay “Bà cố tôi và cây bưởi sau vườn” (Bùi Knul Xuân Thy). Những giận hờn, khúc mắc khó nói của cô con gái với người mẹ yêu dấu trong tản văn “Tiếng má bỗng lạ đi” (H’Bia Kbuôr). Đó còn là câu chuyện đáng yêu, dí dỏm kể về những rung động đầu đời của cô gái tên Cúc và người bạn cùng trang lứa trong truyện ngắn “Hoa cúc của cường hào” (Đoàn Thị Giang Son)…
"Những phiến lá xanh non" - Tác phẩm Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022. |
Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, biết cách xây dựng tình tiết truyện hấp dẫn, Trương Nguyễn Hoàng Mai - một cây bút nổi bật của Trại Hương Rừng đã để lại dấu ấn sâu sắc với hai truyện ngắn “Phía bên kia chân dốc” và “Sắc màu trở lại”. Trong truyện của Hoàng Mai, người đọc dễ dàng nhận thấy được những nhân vật, tình huống truyện được lấy từ chính cuộc sống của tác giả. Đó là câu chuyện về nhóm bạn thân từ thuở nhỏ với biết bao kỷ niệm của tuổi thơ. Rồi một người bạn phải chuyển đi, những nỗi buồn, sự tiếc nuối về một tình bạn đẹp vẫn luôn được nuôi dưỡng mong muốn một ngày được gặp lại người bạn năm xưa. “Có lẽ, nếu góp những cơn mơ tưởng hão huyền của tôi lại, nó sẽ đủ đóng một con thuyền, chứa đựng bao nỗi nhớ thương và thả trôi đi cho lòng nhẹ nhõm” (“Phía bên kia chân dốc”). Đặc biệt trong truyện ngắn “Sắc màu trở lại”, tác giả đã đề cập đến câu chuyện khó tránh khỏi đối với lứa tuổi học trò. Đó là nỗi lo sợ trước mỗi kỳ thi, trước bước ngoặt lớn của cuộc đời – thi đại học. Việc khẳng định bản thân, sức ép từ những kỳ thi quá lớn để rồi cảm thấy tự ti, vô dụng và chán nản. Rồi cũng chính từ khó khăn ban đầu đó, những cô bé cậu bé mới lớn lại tự đứng dậy, tự vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Chị vội vã lấy giấy bút ra, bắt đầu phác thảo lại. Như thể vừa nhận ra chân lí mới, hay đã được hồi sinh trở lại với một tâm hồn nghệ thuật mới mẻ sau khi vừa vấp ngã trong đời” (“Sắc màu trở lại”).
Ngoài những tản văn, truyện ngắn, thể loại thơ có các sáng tác của Nguyễn Đức Pho, Nguyễn Phương Uyên, H’Mi Sa Kbuôr, Nguyễn Thị Thao, Vi Lương Bảo Châu, H’Cúc Êban… Các em đã sử dụng những tứ thơ đơn giản, câu chữ mộc mạc gần gũi để gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình về tình yêu gia đình, yêu quê hương, vẻ đẹp cuộc sống quanh mình. Trong đó nổi bật là các bài: “Mẹ gánh sương mai”, “Hơi thở Tây Nguyên” của Nguyễn Đức Pho; “Hãy cứu lấy rừng Tây Nguyên” của Nguyễn Phương Uyên; “Mời lúa đến chơi” của H’Cúc Êban…
Tuy câu chữ có phần vụng về, thô sơ, cách xây dựng cốt truyện và tình huống truyện còn thô ráp, đơn điệu, nhiều tác phẩm chỉ mới dừng lại ở bài cảm nhận... nhưng dù ở thể loại sáng tác nào, các em đã chuyển tải được đầy đủ tinh thần và nội dung của đề tài mình muốn đề cập đến; cho thấy được sự hồn nhiên, trong trẻo của những cô cậu học trò lần đầu tiên chạm ngõ với văn chương.
“Những phiến lá xanh non” được Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tập hợp, với hy vọng sẽ thổi một luồng gió mới trong việc sáng tác văn chương đối với lứa tuổi thiếu nhi. Mong rằng, "những phiến lá non" này sẽ trở thành những cây bút triển vọng trong tương lai.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc