Multimedia Đọc Báo in

Những ngày về quê

06:02, 06/08/2023

Cha mẹ tôi sinh cả thảy bốn đứa con, lúc lít nhít li nhi thì quẩn quanh bên mẹ. Đến khi lớn lên, đi học xa nhà, đi làm rồi lấy vợ lấy chồng thì lại chẳng đứa nào ở cùng cha mẹ.

Thành ra về già, cha mẹ tôi lại lủi thủi vào ra, bóng già trông ngóng. Bởi vậy, mỗi lần chị em tôi về thăm, mẹ cha tôi mừng lắm. Nhất là tôi, người con cả cũng là đứa đi xa nhất, mỗi lần trở về, cha mẹ lại rưng rưng vui mừng đón đợi.

Tôi lấy chồng và lập nghiệp xa quê, cố gắng trở về bên mẹ vào mỗi dịp hè đã là điều xa xỉ. Bởi vậy, mỗi lần trở về tôi lại được cha mẹ “tiếp” như khách quý, lại được chăm sóc như thể tôi của những ngày bé thơ khờ dại. Những ngày về thăm nhà, mỗi lần cô tôi sang thường hay chọc tôi là “khách miền Nam”. Mẹ cười. Mừng vì hè này “khách” lại về thăm.

Lâu thật lâu tôi mới trở về, mẹ đón tôi tại chính ngôi nhà thân thương tôi đã từng gắn bó suốt một thời thơ ấu. Mẹ kể về khu vườn cây nay đã được trồng thêm vài loại cây mới. Có nhiều cây già cỗi, không cho kinh tế cha đành chặt đi. Như vài cây khế chua ở bờ ao, nay chỉ còn giữ lại một cây lấy quả. Ao cá được cha mẹ xây bờ bao bằng bê tông chắc chắn, không còn sợ sạt lở như xưa.

Tôi đi theo mẹ, nhìn ra ao, dường như ao rộng hơn xưa thì phải, hay tại lâu lắm rồi tôi mới lại về thăm mẹ cha mà thấy mọi thứ dường như lạ lẫm. Mẹ lại dẫn tôi ra thăm dãy chuồng lợn mới xây, rộng và sạch sẽ. Mẹ bảo giờ nuôi cả trăm con lợn vẫn cảm thấy nhàn nhã hơn ngày xưa nuôi vài đôi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, mẹ cười chỉ những máng ăn, máng uống được xây, lắp đều tăm tắp.

Mẹ vừa cười nói, vừa thoăn thoắt cho lợn ăn. Tôi cũng muốn dự phần giúp mẹ việc gì đó mà trước sau lóng ngóng, mẹ vội ngăn lại: để đó mẹ làm một lúc là xong, con không quen việc, không làm được đâu. Tôi quanh quẩn chẳng thể giúp mẹ được việc gì. Tự thấy mình chẳng khác nào người “khách” ghé chơi. Một người khách thân thuộc được mẹ cha chiều chuộng yêu thương. Mẹ làm hết tất cả mọi việc mà chẳng bao giờ kêu than mệt nhọc, y như xưa người còn trẻ và chị em tôi còn thơ bé.

Minh họa: Trà My

Mẹ kể về những niềm vui của các em, các cháu tôi mà đôi mắt ánh lên tự hào, hạnh phúc; mẹ hỏi về cuộc sống gia đình nhỏ của tôi từ những chuyện cỏn con nhất và dặn dò, nhắc nhở mọi điều.

“Đón khách miền Nam về mẹ khỏe ra thì phải!” - Tôi chọc mẹ vậy, mẹ cười bảo khỏe ra nhiều chứ. Mẹ chỉ cần vậy, thỉnh thoảng đón các con về thăm, được nghe tiếng nói cười nô đùa của các cháu còn hơn là uống trăm thang thuốc bổ. Những bữa cơm đoàn viên luôn tràn ngập tiếng cười. Những bữa cơm toàn món tôi thích xưa kia. Có cả những món gợi lại bao kỷ niệm thời chị em chúng tôi còn nhỏ xíu. Nhiều lúc tôi bắt gặp mẹ ngồi ngẩn người, miệng mỉm cười nhìn cháu con quây quần chuyện trò vui vẻ.

Tôi chợt nhận ra với mẹ cha, con cháu dù gần dù xa, cứ quây quần về nhà đều như khách quý. Mẹ cha đã già, đâu cần quà cáp gì cao sang, chỉ cần những đứa con trở về, được nhìn ngắm những hình hài quen thuộc, được nghe tiếng cười nói thân thương. Chỉ vậy thôi, hạnh phúc đã đong đầy.

Nửa tháng hè về thăm cha mẹ trôi nhanh, tưởng như vừa mới đó thôi mà đã đến ngày tạm biệt. Mẹ buồn buồn bảo: “Chưa kịp làm gì đã lại đi” rồi mẹ lại chuẩn bị cho bao nhiêu là thứ. Từ gói thính gạo để “vào trong đó” làm nem chạo đến mấy loại bánh kẹo “đặc sản” quê nhà, trái cây nhà trồng được. Tôi định để bớt lại vì nhiều quá, ngại đùm túm đường xa nhưng thấy mẹ buồn buồn lại thôi. Mẹ cười: quà quê chỉ có vậy. Rồi mẹ ngồi bần thần, phải đến một năm sau con cháu mới trở về.

Trương Thúy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Day dứt mùa ngâu
09:03, 05/08/2023
Lý Sơn ơi!
09:02, 05/08/2023
Mùa lộc vừng qua phố
08:20, 30/07/2023
Cho em những bình yên
08:19, 30/07/2023
Khói bếp bay lên
08:19, 30/07/2023
Sau những vòm xanh lá
21:39, 26/07/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.