Multimedia Đọc Báo in

Bài thơ “Việt Bắc” và tấm thạch bia tình nghĩa

16:03, 02/12/2024

Tháng 10/2024 vừa qua, tại Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã làm lễ khai trương tấm thạch bia chạm khắc bài thơ “Việt Bắc” bằng tiếng Việt và tiếng Tày.

Đây cũng là dịp kỷ niệm 70 ra đời bài thơ Việt Bắc (1954 - 2024), ngày bộ đội chúng ta rời Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội.

Tấm thạch bia ở Bắc Kạn

Cuối năm 2023, trong chuyến thiện nguyện tại vùng chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Giáo sư chuyên ngành Văn học Nga, người sáng lập chương trình từ thiện “Sách cho trẻ em miền núi” ghé thăm gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thao và nhà thơ Cao Thị Hồng ở Bắc Kạn.

Trong góc vườn nhà nghệ sĩ Hoàng Thao, Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng phát hiện một tấm thạch bia cao gần 3 m khắc trọn vẹn bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu bằng tiếng dân tộc Tày. Vô cùng xúc động, Giáo sư Hoàng trao đổi với vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Thao - Cao Thị Hồng là tấm thạch bia rất đẹp, khắc bài thơ “Việt Bắc” rất ý nghĩa nhưng đặt ở đây hơi uổng bởi số lượng người đến tham quan vườn nhà, chiêm ngưỡng tấm bia đang còn rất ít. Ông đề xuất đưa tấm thạch bia này về Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu ở Quảng Điền thì sẽ vô cùng ý nghĩa. Vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Thao – Cao Thị Hồng đồng ý ngay.

Mối lương duyên kỳ lạ ấy xuất phát từ tình yêu thơ Tố Hữu của Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng. Ngay từ nhỏ, ông đã thuộc lòng những bài thơ của Tố Hữu trong tập “Từ ấy”. Ông cũng là người hiếm hoi thuộc lòng cả 5 tập thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và hoa” đến bài thơ cuối cùng “Tạm biệt nhé đời ta yêu quý nhất”.

Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng đánh giá, “Việt Bắc” là bản trường ca bất tử của nền thi ca Việt Nam, là bản tổng kết sinh động nhất về cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó đã tiếp tục truyền thống thi ca trữ tình, trả lại hồn vía thơ lục bát của nền văn học dân tộc. Nó là tiếng lòng của Việt Bắc đối với miền xuôi, tiếng lòng của nhân dân đối với Bác Hồ, là niềm tin sắt son vào tương lai đất nước.

Gia đình nhà thơ Tố Hữu cùng những người yêu thơ bên tấm thạch bia.

Tấm lòng của đồng bào dân tộc Tày

Tấm thạch bia nói trên do cụ Hoàng Văn Thể, thân sinh nghệ sĩ Hoàng Thao thực hiện. Cụ Thể là cựu sinh viên thế hệ đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1959, cụ tốt nghiệp và tình nguyện lên Bắc Kạn dạy học.

Với tình yêu, lòng ngưỡng mộ thơ Tố Hữu, với tình cảm của người Tày đã từng tham gia 9 năm kháng chiến, cụ Thể đã dịch bài thơ “Việt Bắc” ra tiếng Tày và nhờ thợ khắc bài thơ vào tấm thạch bia. Cụ đã làm tấm thạch bia đó trong một thời gian rất dài trước khi dựng lên trong vườn nhà. Sau này, năm 1967, cụ làm Trưởng Ban Biên tập Hội Văn nghệ khu Việt Bắc (Khu tự trị Việt Bắc). Với những người biết tiếng Tày, ai cũng hiểu rằng đây là bản dịch siêu việt, được tác giả gửi gắm tình cảm nồng nàn, sâu đậm và ý nghĩa hơn nữa, bản dịch được cụ Thể hoàn tất trước dịp kỷ niệm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu năm 1965.

Dịch bài thơ “Việt Bắc” từ tiếng Việt sang tiếng Tày không hề đơn giản. Nghệ sĩ Hoàng Thao kể, ví như hình ảnh “chăn sui” trong câu “Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng” do đồng bào Tày thuở đó không có “chăn sui”, cụ Thể phải dùng hình ảnh “những mo nan tre úp vào nhau” để bà con hình dung ra sự khăng khít tình cảm.

Nhân dân Bắc Kạn, đặc biệt là giáo viên, học sinh hầu hết đều thuộc bản dịch tiếng Tày bài thơ “Việt Bắc”. Bài thơ sau đó được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, được ngâm lên trong các dịp lễ hội của Bắc Kạn, Thái Nguyên. Bài thơ “Việt Bắc” được dịch ra tiếng Tày, tự nó có thêm một cuộc đời mới. Anh Hoàng Hóa, cháu gọi cụ Hoàng Văn Thể bằng bác, cho biết anh đã hát bài thơ “Việt Bắc” được dịch ra tiếng Tày bằng làn điệu hát Then không biết bao nhiêu lần, bởi ai biết cũng đều đề nghị.

Tấm thạch bia khắc bài thơ "Việt Bắc" bằng hai thứ tiếng Việt - Tày.

Về với quê quán thi nhân

Vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Thao - nhà thơ Cao Thị Hồng đã bay từ Hà Nội vào Huế không chỉ một lần. Họ cùng với lãnh đạo huyện Quảng Điền bàn bạc, chọn vị trí đẹp nhất trong Khu lưu niệm để đặt bia.

 Do sợ việc chuyên chở tấm thạch bia từ núi rừng Bắc Kạn về Huế quá xa xôi, đường sá hiểm trở, nhỡ có điều đáng tiếc như va chạm, sứt mẻ xảy ra thì sẽ nuối tiếc vô cùng. Mọi người quyết định phương án mới là sẽ tìm một tấm đá tương đương như vậy, thuê người khắc bài thơ rồi chở về Huế.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cùng vợ chồng nghệ sĩ Thao - Hồng đến Đà Nẵng tìm đá. Trên đường đi, do mưa quá lớn nên đoàn tạm dừng ở bãi đá gần Sơn Trà để tạm trú. Như có mối lương duyên đưa đẩy, mọi người vừa xuống xe thì bắt gặp ngay một tấm đá nguyên khối, cực lớn, rất đẹp. Hỏi thì biết tấm bia dày nặng 5 tấn, vừa được chở từ Tương Dương (Nghệ An) vào Đà Nẵng. Chủ doanh nghiệp cho biết đang chuẩn bị xẻ tấm đá này ra nhiều tấm nhỏ phục vụ mục đích kinh doanh. Khi biết mục đích của đoàn, chủ doanh nghiệp không chần chừ, vui vẻ nhường lại tấm đá ngay. Điêu khắc gia Lê Nguyên Vỹ đã rất vui vẻ nhận lời đảm nhận việc khắc bài thơ Việt Bắc bằng hai thứ tiếng lên tấm thạch bia.

Tại buổi khai trương tấm thạch bia, hai người con gái của nhà thơ Tố Hữu – chị Thanh Hoa, Thanh Hồng đã về làng quê Quảng Thọ trong niềm xúc động dâng trào. Có thể nói, việc thơ của nhà thơ Tố Hữu được người dân ngưỡng mộ khắc lên bia đá là một minh chứng đẹp đẽ khẳng định thi ca cách mạng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.

Hồ Đăng Thanh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Chạm một ban mai
16:03, 02/12/2024
Nhớ thương nhà cũ
08:16, 01/12/2024
Bến quê
08:15, 01/12/2024
Chiều nay ta trở lại
08:15, 01/12/2024
(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.