Đi qua cổng làng
Trong tâm thức thẳm sâu của những người sinh ra từ làng quê, lớn lên rồi đi xa, bên cạnh những hình ảnh quen thuộc như giếng nước, con đò, bờ đê thì cổng làng đã in đậm trong góc nhớ, trở thành biểu tượng của hồn quê, của không gian văn hóa luôn gợi thức và trở thành tiếng gọi cội nguồn thiêng liêng.
So với các vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ đậm chất văn hóa làng xã thì ở miền Trung cổng làng ít hiện diện hơn trong mỗi xóm thôn. Vậy nên cái cổng làng xưa cũ ở quê tôi được người dân trong vùng quan tâm và khách vãng lai chú ý. Không biết nó có từ bao giờ, nhưng trông “phế tích” lắm rồi. Mấy bậc cao niên ở làng cho rằng đây là “công đức” của một vị quan lớn, lo việc điền thổ và là người xứ Đàng Ngoài để lại. Ngẫm ra thì có lý, chắc vị quan ấy muốn neo giữ hình ảnh quê nhà trong cuộc binh biến, di dân?
Đứng xa nhìn, cổng làng uy nghi án ngữ như một vị hộ pháp bảo vệ cho làng. Trông nhân từ và đầy yêu thương. Ai ở xa về, khi thấy cổng làng đều hồi hộp, chân bước nhanh hơn. Sau bao nắng mưa và bom đạn tàn phá, cổng làng đầy thương tích. Vôi vữa bong tróc, loang lổ những vết thời gian in hằn cùng rêu xanh phủ đầy. Trên đỉnh mái của cổng làng là những chùm cây dại sống bám, buông rễ thõng thượt trông cổ kính, rêu phong nhưng lại gắn bó vô cùng.
Minh họa: Trà My |
Cổng làng từ bao đời đã gợi nhiều thương nhớ và lưu truyền bao huyền thoại. Phía trong cổng làng là cái giếng khơi to, nước trong leo lẻo, in bóng mây trời. Những đêm trăng sáng rộn tiếng gàu khua, tiếng nói cười, cả lời tình tự. Từ cổng làng đi vào có hai hàng cau đứng thẳng hàng, hoa rụng trắng, tỏa hương đằm dịu. Nép bên cổng làng là bến sông có cội đa già, hững hờ thả rơi từng chiếc lá vàng phai, đẹp mắt. Một con đường đất nhỏ chạy từ cổng làng ra đồng. Hai bên cỏ dại ngập tràn, những bông hoa đủ sắc màu phất phơ trong nắng vàng ươm.
Tôi rời quê lên phố ở sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi năm vào dịp giỗ, Tết mới trở về. Bao giờ cũng thế, khi đến đầu làng tôi đều đi chậm lại, có khi dừng hẳn để “ngắm” cổng làng. Cây thị cổ thụ nép cạnh cổng làng vẫn cành lá ken dày, xanh um. Đây là thiên đường thân thuộc mà tụi con nít chúng tôi từng trèo lên bắt chim ra ràng và hái những quả chín vàng ươm, thơm lựng. Tôi đứng lặng hồi lâu và tìm lại những kỷ niệm ngày trước. Mỗi khi chiều vừa tắt nắng, bà nội thường dắt tôi ra khoảng đất trống dưới tán cây thị, cạnh cổng làng để chờ mẹ đi chợ, cha đi làm đồng về. Tôi hay rời khỏi tay bà để chạy nhảy vui đùa, có khi ngó nghiêng nhìn tổ chim lót trên mái cổng. Đàn chim sau một ngày kiếm ăn cũng bay về hót rộn ràng.
Bạn bè của tôi ngày ấy, đa số lập nghiệp xa quê. Nhưng điều khiến chúng tôi hãnh diện và an tâm nhất là không ai chối bỏ quê nghèo, quên đi cổng làng dù nó chỉ là phế tích. Vừa rồi nghe tin cổng làng xưa sẽ được trùng tu và sẽ xây bên cạnh một cổng làng mới bề thế, khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu của nông thôn mới. Có chút buồn nhẹ vì cảnh xưa thay đổi, rồi thời gian sẽ dần xóa vết. Nhưng lại vui mừng vì thấy quê hương chuyển mình, đời sống người dân ấm no.
Tôi về quê ngay chiều hôm ấy và báo tin cho bạn bè xa gần lên kế hoạch quyên góp xây dựng. Đứng dưới cổng làng, chạm tay vào từng vỉa gạch xỉn màu, rêu phong bám phủ, lòng chợt bồi hồi xúc động.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc