“Đường vào Buôn Ma Thuột”
Những ngày tháng Ba lịch sử, trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho những ngày lễ lớn, nhất là kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2025), lần giở tập truyện ký “Đường vào Buôn Ma Thuột” (do nhà văn, Đại tá Lê Hải Triều viết và tuyển chọn, NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2006), dường như hơi thở hừng hực của những ngày oanh liệt ấy lại ùa về…
![]() |
Những bài ký viết về những ngày trước, trong và sau những trận đánh ở Tây Nguyên, mà Buôn Ma Thuột là trận mở màn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975…
Đọc hồi ức của những người trong cuộc mang không khí, hơi thở hừng hực của những trận đánh quyết liệt ngày ấy khiến người đọc hình dung, thấy được chân dung của những chiến sĩ quân giải phóng anh hùng: “Cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 4 đến lúc này tuy phát triển thuận lợi nhưng cũng vô cùng quyết liệt. Tổ cắm cờ của Tiểu đoàn 4 đã bốn lần chuyền nhau lá cờ. Người trước ngã xuống, người sau lại cắm cờ tiến lên. Cuối cùng, lá cờ quyết chiến quyết thắng thắm máu của Tiểu đoàn 4 được Nguyễn Văn Thắng, Phạm Văn Vỵ, Đoàn Duy Tộ thuộc Đại đội 1 cắm lên nóc nhà Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Lúc đó là 10 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1975” (tr.184).
Không chỉ là chuyện trên chiến trường, các câu chuyện kể còn thấm đẫm tình đồng đội, đồng chí, tình cảm gắn bó quân dân. Có một câu chuyện thật đẹp về tình cảm của một người con gái ở phố biển Nha Trang với bộ đội giải phóng. Trong bài ký “Ba lẻ một” (tr.158-175), nhà văn quân đội Bảo Ninh – người từng có mặt trên chiếc xe tăng 301 kể lại: Lúc này, quân ta đã tiến xuống Duyên hải Nam Trung Bộ. Chiếc xe tăng ghé vào quán cà phê trong một vườn lê-ki-ma. Người con gái chủ quán quen với một anh xạ thủ pháo 12,7 ly, cô đã dùng máy ảnh nhà chụp lưu niệm chiếc xe tăng ấy. Sau ngày hòa bình, cô vẫn chờ người chiến sĩ kia trở lại để lấy tấm ảnh đã chụp. Nhưng rồi không có ai trở lại! Mấy mươi năm sau, tình cờ có người trong số đó ghé ngang chốn xưa và nhận ra tấm ảnh… Nhưng anh ta không phải là người cũ và cô gái kia cũng đã qua thời xuân sắc, đã có chồng con đùm đề. Cô vẫn giữ gìn tấm ảnh ấy như là một kỷ niệm khó quên trong đời! Họ đã rơi nước mắt khi cùng nhìn lại tấm ảnh ngày xưa! Chuyện nghe giống như tiểu thuyết nhưng thời chiến tranh, những chuyện như vậy có rất nhiều…
Trong tập ký “Đường vào Buôn Ma Thuột”, còn những trang viết nói về những người ở phía sau. Họ không trực tiếp chiến đấu nhưng họ là những người góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng và họ cũng phải chịu những mất mát hy sinh không có gì bù đắp được! Cô y tá trẻ Bùi Ngân Vy ở bệnh viện tiền phương Nam khu 4 cũ là một trường hợp như vậy: “Sáu tháng sau khi chồng hy sinh thì mẹ chồng mất và một năm sau thì bố chồng qua đời. Khăn tang liên tiếp đổ lên đầu người thiếu phụ mới hai mươi tuổi đời! Chồng chị là con trai độc nhất trong gia đình nên chị phải thay chồng gánh vác mọi công việc trong nhà. Nhờ địa phương, cơ quan, đơn vị và bệnh viện giúp đỡ, chị đã lo toan cho cha mẹ chồng mồ yên mả đẹp!”. Chị ở vậy, ẩn nhẫn nuôi con khôn lớn mặc dù có rất nhiều người thật tình muốn đến với người góa phụ trẻ đẹp này. Cuối cùng, người ta thật bất ngờ khi thấy chị đi bước nữa: “… Cô tự nguyện chấp nhận chung sống với người thương binh hỏng mắt, cụt chân ấy, chấp nhận “cuộc chiến sau cuộc chiến”, tiếp tục hy sinh gánh chịu những gian nan vất vả trong cuộc sống khi tuổi đời đã gần đứng bóng, âu cũng là tiếp tục sống vì mọi người. Phải chăng đó cũng là cách đền ơn đáp nghĩa của cô” (tr.92)
Với lối viết, lối kể sinh động, giàu hình ảnh cùng với văn phong, bút pháp chân thật, giản dị, các tác giả trong tập truyện ký “Đường vào Buôn Ma Thuột” đã dẫn dắt người đọc ngược thời gian trên 50 năm để trở về những ngày tháng hào hùng nhưng cũng lắm bi thương thuở ấy. Và ai cũng cảm nhận rằng: Để có được ngày toàn thắng 30/4/1975, các thế hệ cha, anh chúng ta đã cầm súng đi suốt 30 năm của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với nhiều hy sinh và mất mát. Và ta - có lúc nào đó - qua những trang sách, thước phim, chuyện kể… càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống yên bình hôm nay!
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc