Multimedia Đọc Báo in

Khơi lại nguồn nước sạch ở Hòa Lễ

08:11, 25/08/2021

Đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông chủ yếu là đất cát pha, việc khoan, đào giếng không thuận lợi, nước lại nhiễm phèn nên những năm hạn hán kéo dài, việc thiếu nước sinh hoạt nơi đây diễn ra phổ biến.

Thêm vào đó, do trên địa bàn xã số hộ chăn nuôi heo khá nhiều dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Vì vậy, người dân rất mong chờ được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Từ nguồn vốn của Nhà nước, đầu năm 2003, công trình cấp nước tập trung tự chảy Thăng Lễ được khởi công xây dựng với tổng kinh phí 580 triệu đồng, khai thác nguồn nước tự chảy từ núi Chư Yang Sin. Công trình có công suất thiết kế 20 m3/giờ, cung cấp nước cho 250 hộ dân trên địa bàn thôn 1, 2 và một số hộ thôn 3 (xã Hòa Lễ). Điều đáng nói, mặc dù nguồn nước không thiếu nhưng kể từ cuối năm 2006, công trình chỉ hoạt động cầm chừng, việc cung cấp nước trong tình trạng được chăng hay chớ.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước công trình cấp nước sinh hoạt Thăng Lễ (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông).

Nguyên nhân bởi đây là công trình cấp nước tự chảy lấy nguồn nước từ trên núi cao, một số đường ống được thiết kế lộ thiên chạy dọc theo địa hình tự nhiên của sườn núi nên nhanh bị xuống cấp, hư hỏng, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước. Đập bê tông dâng nước đầu nguồn thường bị cát và lá cây lấp sau những trận mưa lớn; ý thức sử dụng nước, bảo quản đường ống của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng chây ỳ việc đóng tiền nước. Công tác quản lý công trình của Ban quản lý Hội Sử dụng nước còn nhiều hạn chế, khi xảy ra sự cố, hư hỏng, không tổ chức họp đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra hướng giải quyết, nhiều năm liền, công trình bị bỏ hoang.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống dẫn nước thô và đường ống truyền tải nước sạch, bảo vệ an toàn các công trình kỹ thuật thuộc hệ thống cấp nước, phổ biến giá nước theo quy định của UBND tỉnh...

Trước thực trạng đó, Ban quản lý Hội Sử dụng nước đã đề xuất bàn giao công trình cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (viết tắt là Trung tâm) quản lý, sửa chữa, nâng cấp.

Sau khi tiếp quản công trình, Trung tâm đã xây dựng đề án sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ thuộc nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2974/QĐ-UBND, ngày 26-10-2017. Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 4,2 tỷ đồng, công suất thiết kế 260 m3/ngày-đêm, cấp nước cho các hộ dân thôn 1, 2, 3 (xã Hòa Lễ) với tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày-đêm, bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Công trình cấp nước sinh hoạt Thăng Lễ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019, đến nay đã cấp nước sạch cho 386 hộ (đạt 98%), “giải cơn khát” nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân.

Gia đình ông Hoàng Du ở thôn 3 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt Thăng Lễ.

Là người đăng ký dùng nước từ những năm đầu, trải qua bao lần công trình hư hỏng, hoạt động trì trệ, cầm chừng, ông Đỗ Văn Lĩnh ở thôn 3 vui mừng khôn xiết khi công trình được sửa chữa, nâng cấp và thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý, vận hành. Ông Lĩnh phấn khởi: “Trung bình mỗi tháng gia đình đóng 50.000 đồng, được sử dụng nguồn nước sạch. Từ khi công trình giao về cho Trung tâm quản lý, vận hành, việc cấp nước bảo đảm thường xuyên, nếu có sự cố cũng nhanh chóng được khắc phục”. Gia đình ông Hoàng Du ở thôn 3 cũng trút được nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Ông Du cho hay, trước khi công trình này được sửa chữa, nâng cấp, mùa khô người dân trong thôn phải lấy nước mương, nước suối về sinh hoạt.

Anh Hà Huy Tân, quản lý công trình cấp nước sinh hoạt Thăng Lễ cho biết, để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cấp cho các hộ, công trình đã được xây dựng bồn chứa, bồn lọc, hệ thống xử lý Clo. Mỗi khi mưa lớn, đầu nguồn bị lấp hoặc hệ thống đường ống bị vỡ do làm đường, mương thoát nước... Trung tâm và quản lý công trình kịp thời khắc phục, bảo đảm việc cấp nước cho người dân.

Yến Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.