Multimedia Đọc Báo in

Nỗi đau trẻ em bị xâm hại tình dục (Kỳ 2)

08:35, 05/08/2021

Những con số báo động

Tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang có xu hướng tăng lên, nhiều vụ việc có tính chất loạn luân hoặc do người thân trong gia đình gây ra đã để lại nỗi ám ảnh, nỗi đau dai dẳng cho trẻ.

Gia tăng tội phạm XHTD

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2015 đến 2020, toàn tỉnh có 331 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 225 trẻ bị xâm hại tình dục. Riêng từ ngày 15-12-2020 đến ngày 14-6-2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ XHTD trẻ em (tăng 5 vụ, 23,8% so với cùng kỳ). Trong đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi có 11 vụ, 11 đối tượng; giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi xảy ra 13 vụ, 13 đối tượng; dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có 2 vụ, 2 đối tượng.

Công an huyện Ea H'leo bắt đối tượng Ksơr Y Pháo về tội hiếp dâm - dâm ô với người dưới 16 tuổi và cướp tài sản tại địa bàn các xã Ea Hiao và Dliê Yang. Ảnh:Hoàng Ân

Nguyên nhân các vụ xâm hại chủ yếu do các em ở nhà một mình, ít được sự quản lý và bảo vệ từ cha mẹ. Mặt khác, do nhận thức của các em còn hạn chế nên không kịp thời báo cho người thân biết để có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn. Cùng với đó, ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tha hóa, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật của đối tượng phạm tội, khiến tình trạng XHTD trẻ em ngày càng phức tạp hơn.

“Qua công tác giải quyết, xét xử của TAND tỉnh thời gian qua cho thấy, 100% vụ việc XHTD xảy ra đối với trẻ em gái; độ tuổi bị xâm hại từ 13 đến dưới 16 tuổi chiếm 66,1%. Nơi xảy ra hành vi xâm hại tập trung chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chiếm 70%. Các đối tượng có hành vi XHTD trẻ em đa phần là người quen biết, hàng xóm, người có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc hoặc có mối quan hệ thân thích với nạn nhân”- Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, làm rõ, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án XHTD trẻ em. Nhiều vụ việc có tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng đã để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ em và gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là dâm ô, hiếp dâm với trẻ dưới 16 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thực trạng đó đang đặt ra thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bề nổi của “tảng băng chìm”

Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu, sau khi xảy ra vụ việc XHTD trẻ em, một số gia đình nạn nhân mang tâm lý sợ mất danh dự, "xấu chàng hổ ai" với họ hàng, xóm giềng, nên không trình báo với cơ quan chức năng, thậm chí còn có sự thương lượng, thoả thuận, hòa giải với đối tượng xâm hại.

Sự im lặng của người trong cuộc dễ khiến trẻ nhận thức lệch lạc, đến mức tự buộc tội bản thân khi chuyện xấu xảy ra, trong khi kẻ phạm tội không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Đau lòng hơn cả, vì lo sợ trách mắng, đánh đập, trả thù nhiều em đã chấp nhận bị chính người thân XHTD trong thời gian dài mà không dám lên tiếng. Chính vì vậy, số vụ trẻ em bị XHTD được đem ra xét xử thời gian qua chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.

<span style="color:#0000ff;">Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang (huyện Krông Bông) tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ  và trẻ em gái.  <em>Ảnh:</em>  Minh Khang</span>
Cán bộ Trạm Y tế xã Dang Kang (huyện Krông Bông) tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Minh Khang

Đơn cử như vụ XHTD trẻ em diễn ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cách đây không lâu. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2018, mỗi tháng N.T.H. lại thực hiện hành vi hiếp dâm con gái ruột là cháu H. (SN 2004) một lần. Thời điểm bị xâm hại lần đầu, cháu H. chỉ mới 11 tuổi 5 tháng. Mặc dù cháu H. không đồng ý, chống cự, nhưng bị bố ruột đe dọa, khống chế không cho kể với ai, lo sợ nếu mẹ biết sẽ suy sụp tinh thần và tự tử, nên H. đành câm nín, chịu đựng hơn 3 năm liền.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hữu, việc điều tra xác minh các vụ trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình, họ hàng... thường gặp khó khăn. Nhất là khi các vụ án hình sự về XHTD đối với trẻ em gái thường là những vụ án nhạy cảm, phức tạp, nhiều vụ án sau một thời gian mới được phát hiện nên không thể xác định được chứng cứ sinh học, chỉ có thể căn cứ vào lời khai đơn thuần của bị cáo, nhân chứng.

Trong một số trường hợp, người bị hại còn quá nhỏ hoặc người bị hại và đại diện vắng mặt tại phiên tòa, trong khi hồ sơ còn một số điểm mâu thuẫn, vấn đề trách nhiệm dân sự chưa rõ ràng nên hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ việc. Chính vì vậy, mỗi gia đình có trẻ em bị XHTD cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, cung cấp kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng để đưa sự việc được ra ánh sáng, sớm xử lý đúng người, đúng tội.

Hồng Chuyên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.