Multimedia Đọc Báo in

Nỗi đau trẻ em bị xâm hại tình dục (Kỳ cuối)

08:33, 06/08/2021

Chung tay bảo vệ trẻ em

Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và được hưởng các quyền theo luật, ngoài sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về hậu quả của xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Bảo vệ và chăm sóc trẻ là trách nhiệm không của riêng ai!

Vì sự an toàn của trẻ

Để bảo vệ trẻ em, thời gian qua các sở, ngành của tỉnh và địa phương đã có nhiều cách làm, mô hình tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ cũng như can thiệp, hỗ trợ, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Song song đó, công tác quản lý Nhà nước về trẻ em cũng được tăng cường, đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong phòng, chống bạo lực, xâm hại, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro.

Cụ thể, năm 2019, liên ngành Hội Phụ nữ, Công an, Viện KSND và TAND tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Hội Phụ nữ các cấp đã được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động tố tụng đối với những vụ việc, vụ án vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật.

Trẻ em đối thoại với các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh tại Diễn đàn "Trẻ em với các vấn đề về trẻ em".
Trẻ em đối thoại với các lãnh đạo sở, ngành của tỉnh tại Diễn đàn "Trẻ em với các vấn đề về trẻ em".

Trước đó, năm 2018, TAND tỉnh cũng đã ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên, thẩm quyền giải quyết là các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác... Đây là đơn vị được quan tâm, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng để chủ động, tích cực tham mưu trong công tác xét xử các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của trẻ em khi tham gia tố tụng.

“Cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thiếu sự quan tâm, chậm tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đối tượng bạo lực, XHTD trẻ em phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật” – Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể khác như Đoàn thanh niên đã xây dựng những sân chơi, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, trong đó có phòng tránh XHTD trẻ em, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đau lòng…

Cộng đồng trách nhiệm

Để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, ngày 28-6-2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em vào chương trình hành động, coi kết quả thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là một trong những tiêu chí bình xét thi đua.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý đối với các vụ xâm hại trẻ em và có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo để họ mạnh dạn khai báo, tố giác tội phạm; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột theo quy định tại Luật Trẻ em…

Trẻ vị thành niên xã Ea Sol (huyện Ea H'leo) trao đổi kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Hoàng Ân

Theo nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê, qua giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện Luật Trẻ em cho thấy, chế tài xử phạt tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó, Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về xử lý đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em một cách nghiêm khắc.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành những luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, các quy định pháp luật về nghề công tác xã hội, trong đó quy định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của người làm công tác xã hội; quy định theo dõi giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đưa các quy định về chức năng nhiệm vụ của cán bộ xã hội trong các lĩnh vực cụ thể; đặc biệt trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột vào các văn bản pháp luật liên quan.

Ngoài những kiến nghị nêu trên, để tạo ra hành lang pháp lý, nhận thức và hành động trong phòng, chống XHTD trẻ em, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và toàn xã hội, các em cần lên tiếng chia sẻ, tâm sự với người thân để được bảo vệ, hỗ trợ. Việc im lặng, giấu giếm các vụ xâm hại tình dục sẽ để lại những tổn thương không chỉ về thể xác, tinh thần mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống trong tương lai của các em.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.