Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở Nà Ven

08:58, 21/08/2021

Chỉ cách Tỉnh lộ 1 khoảng 5 km, nhưng thôn Nà Ven, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) như một "ốc đảo" biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Hơn 30 năm kể từ ngày thành lập, Nà Ven vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn…

Năm 1988, 75 hộ dân rời quê hương Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vào vùng kinh tế mới Nà Ven với ước mong ở miền đất mới sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bao quanh là hoang vu đại ngàn, không có điện, đường, dù họ cần mẫn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng kinh tế vẫn không thể khá nổi. Từ 75 hộ dân ban đầu, dần dà Nà Ven chỉ còn lại 40 nóc nhà, trong số đó có tới 77,5% là hộ nghèo. Với ước mong đổi đời, hầu hết thanh niên trong thôn đều lần lượt tìm đường lập nghiệp xa quê...

Ở gần Tỉnh lộ 1, lại gần các nhà máy thủy điện, nhưng mãi tới tháng 12-2018, ánh điện lần đầu tiên mới chiếu sáng trên vùng đất nghèo khó Nà Ven. Cũng từ đây, cuộc sống người dân mới có phần khởi sắc. Thôn “đèn dầu” tươi mới hơn bởi tiếng ti vi, loa đài mỗi ngày; bà con có thêm điều kiện nắm bắt khoa học kỹ thuật để đầu tư máy móc sản xuất, phát triển cây trồng. Tuy nhiên, để Nà Ven phát triển hơn, vẫn còn rất nhiều thử thách.

Hầu hết các trục đường thôn Nà Ven vẫn chưa được bê tông hóa.

Diện tích đất trồng của thôn rộng mênh mông, nhưng khá cằn cỗi, bạc màu, nên bà con chỉ có thể trồng được hai loại cây là sắn và bắp. Đã vậy, vùng này thường xuyên bị ngập lụt, khiến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề.

Sinh kế cho người dân luôn là vấn đề trăn trở của địa phương. Theo thôn trưởng Nguyễn Đức Giang, năm 2015, các hộ trong thôn đã được các cấp quan tâm hỗ trợ nuôi dê, trồng nấm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sinh kế ấy không đủ bền để giúp họ thoát nghèo. Do chi phí đầu tư cho mô hình trồng nấm cao, nhưng lợi nhuận thu về thấp, đầu ra sản phẩm không được bảo đảm nên mô hình èo uột, rồi gần như không còn tồn tại. Đối với mô hình chăn nuôi, do thói quen canh tác chăn thả tự do khiến dê dễ sinh bệnh, nên từ 19 hộ ban đầu, hiện chỉ còn vài hộ chăn nuôi.

Là một trong 3 hộ vẫn duy trì nuôi dê, anh Vũ Văn Khiêm cho hay, từ hai con dê giống được hỗ trợ ban đầu, hiện gia đình anh đã phát triển đàn dê lên trên 10 con. Để nhân được đàn thì việc cần cù, chăm chỉ thôi chưa đủ mà người dân rất cần hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn để tái đàn và có đầu ra ổn định. Mấy năm trước, dê bán còn được giá, nhưng gần đây do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên rất khó tìm đầu ra...

Hệ thống điện thắp trong nhà một hộ dân thôn Nà Ven.

Theo cha mẹ đi kinh tế mới từ khi mới 11 tuổi, anh Khiêm đã trải qua muôn nỗi nhọc nhằn cùng người dân nơi đây. Anh cho hay, bà con rất mong mỏi hệ thống đường giao thông trên địa bàn được hoàn thiện. Hiện nay, hầu hết các trục đường chính, nội đồng vẫn là đường cấp phối đất đá, đường đất, thường trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy. Ngay tại trục đường chính dù chỉ dài 4,5 km, đã được các cấp hai lần quan tâm đầu tư bê tông hóa, nhưng cũng chỉ mới được 1,3 km. Đường sá khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của bà con, mà việc vận chuyển hàng hóa, buôn bán nông sản cũng bị ảnh hưởng…

Chia sẻ cùng Nà Ven, những năm qua, chính quyền các cấp đã chủ động tìm hiểu, lắng nghe để cùng bà con tìm cách tháo gỡ khó khăn. Bà Ngô Lan Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Wer chia sẻ, một số lớp tập huấn, dạy nghề đã được tổ chức tại đây nhằm hỗ trợ bà con áp dụng kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi, phát triển cây trồng phù hợp nhất. Thực tế cho thấy, thôn Nà Ven có thể phát triển chăn nuôi và trồng thêm cây điều trên một số diện tích, đây cũng là định hướng phát triển trong thời gian đến.

Cùng với đó, cần quan tâm đến giao thông, không chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh, mà còn cả sản xuất với quy mô lớn. Khi có nguồn vốn này, địa phương sẽ ưu tiên để cùng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Nà Ven phát triển.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.