Multimedia Đọc Báo in

Bếp ăn miễn phí luôn đỏ lửa trong mùa dịch

06:57, 21/09/2021

Tại huyện Krông Búk nhiều bếp ăn miễn phí luôn đỏ lửa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chia sẻ những phần cơm nghĩa tình với lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, đội ngũ y tế tham gia chống dịch và người dân trong khu vực phong tỏa. 

Phục vụ 600 suất ăn/ngày

Ngay khi các vùng cách ly y tế được thiết lập, sau đó là thực hiện giãn cách xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng bếp ăn miễn phí cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly trên toàn huyện.

Để phục vụ 3 bữa ăn/ngày, nhiều tình nguyện viên là giáo viên, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân… đã chủ động đảm nhận việc chuẩn bị các bữa ăn, phục vụ hậu cần.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk phân chia, đóng gói thức ăn.

Địa điểm được chọn làm bếp ăn là Ban Chỉ huy Quân sự huyện; mỗi ngày nấu khoảng 600 suất ăn. Trong quá trình chế biến món ăn, các tình nguyện viên luôn thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do số lượng suất ăn lớn, người tham gia hỗ trợ được chia thành các nhóm để chế biến món ăn. Thức ăn sau khi nấu chín được đưa sang khu vực chia khẩu phần ăn, đóng gói. Công đoạn vận chuyển các suất cơm đến khu cách ly tập trung do chiến sĩ, bộ đội Ban Chỉ huy Quân sự huyện phụ trách. Ngoài các phần cơm, tình nguyện viên của bếp ăn còn chuẩn bị thêm cháo dinh dưỡng, sữa tươi cho trẻ em.

 

“Trong những ngày toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các bếp ăn miễn phí luôn đỏ lửa. Đây chính là trách nhiệm cộng đồng, là tình cảm tiếp thêm sức mạnh để cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân quyết tâm vượt qua đại dịch COVID-19”.

 
Trung tá Đinh Trọng Đương, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk

Hơn 2 tháng nay, cứ đúng 3 giờ sáng, Trung úy Ngô Thị Xuyên công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã thức dậy để chuẩn bị bữa ăn sáng cho khu cách ly. Sau bữa ăn sáng, không kịp nghỉ ngơi, chị Xuyên và các tình nguyện viên phải dọn dẹp thật nhanh để chuẩn bị thực phẩm cho bữa trưa. Đến đầu giờ chiều, chị lại bắt tay vào sơ chế thức ăn để kịp bữa cơm chiều.

Chị Xuyên cho biết, công việc tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì được góp sức trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Chị Xuyên hy vọng có thể chế biến nhiều món ăn ngon để người dân và lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly được ăn ngon, có cảm giác như đang được ăn cơm ở nhà, yên tâm làm nhiệm vụ.

Cùng "giữ lửa" cho bếp

Tại xã Ea Sin, các hội, đoàn thể của xã cũng đang tất bật lo từng bữa cơm phục vụ các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và người dân trong khu phong tỏa.

Được kích hoạt trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn nhưng khu vực bếp tại UBND xã vẫn được sắp xếp ngăn nắp. Thực đơn các bữa ăn trong ngày, trong tuần liên tục được thay đổi, những suất ăn được chăm chút cẩn thận từng công đoạn trước khi trao đến người nhận.

Mặc dù, công việc tất bật từ sáng đến tối nhưng mọi người đều rất vui vẻ, hăng hái tham gia. Người góp công, người góp của để cùng giữ lửa cho bếp ăn trong suốt những ngày cả huyện cùng chung sức chống dịch.

Nhu yếu phẩm sử dụng tại bếp ăn thời gian qua là những phần quà được các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, quyên góp nhằm góp phần động viên, sẻ chia khó khăn với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phụ nữ xã Ea Sin chuẩn bị suất ăn để đưa đến chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và người dân trong khu phong tỏa.

Chị H’Thoai Knul, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Sin chia sẻ: “Mỗi ngày bếp ăn cung ứng hơn 120 suất ăn, gồm bữa trưa và bữa chiều cho khu phong tỏa và cán bộ chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Những phần cơm được trao không chỉ làm ấm lòng người nhận mà còn là niềm vui, hạnh phúc của các thành viên bếp ăn. Chúng tôi sẽ duy trì bếp ăn cho đến khi đến khi hết Chỉ thị 16, dịch bệnh được đẩy lùi”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.