Multimedia Đọc Báo in

Buôn làng đồng lòng vượt đại dịch COVID-19 (Kỳ 1)

08:01, 14/09/2021

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bị ảnh hưởng nặng nề với những chùm ca bệnh lớn, không rõ nguồn lây. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang đoàn kết một lòng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đưa buôn làng trở về trạng thái “bình thường mới”.

Kỳ 1: Buôn làng những ngày không bình yên

Hơn một tháng qua, “cơn bão COVID-19” liên tiếp “tấn công” vào các buôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phá vỡ cuộc sống yên bình nơi đây.

Liên tiếp xuất hiện  nhiều chuỗi ca bệnh phức tạp

Buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) là ổ dịch COVID-19 đầu tiên và lớn nhất của tỉnh ở thời điểm cuối tháng 7-2021. Từ ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện vào ngày 19-7, dịch bệnh đã nhanh chóng lan rộng trong buôn với 51 trường hợp mắc bệnh.

Khi dịch bệnh tại buôn Ea Bhốk vẫn đang diễn biến phức tạp, thì xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) ghi nhận ổ dịch COVID-19 tại buôn Kwăng A. Từ một trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế khi đi khám chữa bệnh vào ngày 17-8, ngay trong đêm ngành y tế thực hiện khoanh vùng, truy vết và phát hiện thêm 27 trường hợp nữa. Những ngày sau đó, số ca bệnh tại buôn Kwăng liên tục gia tăng sau những lần xét nghiệm sàng lọc của lực lượng y tế.

Đến cuối tháng 8-2021, trong tổng số 209 hộ với gần 1.000 nhân khẩu của buôn Kwăng A đã có hơn 80 trường hợp F0 và trên 100 F1 phải đi điều trị, cách ly tập trung, hàng trăm F2 thực hiện cách ly tại nhà. Đường làng, ngõ xóm không còn bóng người dân qua lại, nhà nhà đóng cửa im lìm, cuộc sống của bà con bị đảo lộn bởi dịch bệnh.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk).

Dịch bệnh tại buôn Kwăng A chưa kịp lắng, ngày 21-8 chuỗi ca bệnh tiếp theo được ghi nhận tại buôn Đrao, xã Cư Né (huyện Krông Búk) với 13 trường hợp và nhanh chóng lan rộng, chỉ sau 2 tuần đã tăng lên 158 trường hợp F0, hơn 300 F1. Nơi đây trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất của huyện Krông Búk và của tỉnh. Không những thế, qua điều tra dịch tễ, lực lượng y tế phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 tại buôn Đrao còn lây lan đến buôn Kdruh, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) với 82 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (tính đến ngày 13-9).

Ngoài những địa phương kể trên, từ cuối tháng 7 đến nay, tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), xã Cư Pui (huyện Krông Bông), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) cũng ghi nhận các chuỗi ca bệnh phức tạp tại các thôn, buôn đồng bào DTTS với hàng chục ca bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xâm nhập, bùng phát mạnh trong vùng đồng bào DTTS là do số người lao động từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk tránh dịch đông, trong khi việc thực hiện cách ly tại nhà chưa tốt, dẫn đến xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, do đặc thù đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào DTTS có tính cộng đồng cao nên khi dịch bệnh bùng phát sẽ kéo theo số lượng ca mắc tăng nhanh.

Quyết tâm khoanh vùng, dập dịch

Trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh trong vùng đồng bào DTTS, nhiều địa phương đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng loạt các biện pháp ngay sau khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, từ đó tạo hiệu quả trong khoanh vùng sớm, dập dịch nhanh.

Ngay sau khi buôn Kwăng A ghi nhận chuỗi ca bệnh, buôn Gram A2, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) đã lập chốt kiểm soát người ra, vào để bảo vệ "vùng xanh".

Đơn cử như tại buôn Kwăng A, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng và lây lan sang các thôn, buôn khác, chính quyền địa phương đã cấp bách triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Bao Phạm Ngọc Tiên cho biết, xã đã tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng và khoanh vùng dập dịch; thiết lập vùng cách ly y tế ở buôn Kwăng A và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn toàn xã. Đặc biệt, chính quyền đã huy động nhân lực từ Ban công tác Mặt trận và người có uy tín trong buôn trực tiếp tham gia kiểm soát, tăng cường tuyên truyền bằng hai thứ tiếng cho đồng bào các dân tộc trong xã về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; huy động các lực lượng đoàn thể chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho bà con trong thời gian giãn cách. Nhờ vậy, đến thời điểm này, ổ dịch tại xã Cư Bao cơ bản được khống chế.

Để ngăn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là tại các buôn đồng bào DTTS, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai lấy mẫu làm test nhanh kháng nguyên sàng lọc cho người dân ở tất cả 608 thôn, buôn đồng bào DTTS trong tỉnh, đặc biệt, tại các buôn “điểm nóng” sẽ thực hiện sàng lọc nhiều lần, nhằm nhanh chóng bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt dân cư tại các thôn, buôn đồng bào DTTS; hạn chế tối đa việc đi lại của người dân từ thôn, buôn này sang thôn, buôn khác; kiện toàn các tổ COVID-19 cộng đồng với sự tham gia của ban tự quản thôn, buôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để người dân nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc việc cách ly y tế tại nhà.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trịnh Quang Trí, xét về mặt dịch tễ và qua đánh giá nguy cơ ở các chuỗi lây nhiễm nhận thấy, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lan rộng, vấn đề mấu chốt là phải lấy mẫu xét nghiệm giám sát toàn bộ các buôn vùng DTTS để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sở Y tế đã cấp hơn 100.000 bộ test nhanh cho các địa phương để triển khai công tác này, bởi bên cạnh việc phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, kết quả xét nghiệm còn là cơ sở để xác định được “vùng đỏ, cam, vàng, xanh” để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, khoa học.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Giữ gìn và mở rộng "vùng xanh"

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.