Multimedia Đọc Báo in

Chật vật mưu sinh mùa dịch

07:58, 14/09/2021

Dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, nhất là những người lao động tự do trên địa bàn huyện M’Drắk.

Hơn 15 năm qua, bà Nguyễn Thị Vương (72 tuổi, trú tổ dân phố 10, thị trấn M’Drắk) một mình bươn chải với nghề bán vé số dạo để nuôi chồng (72 tuổi) mắc bệnh tim và con gái (38 tuổi) mắc bệnh câm điếc và tâm thần bẩm sinh. Trước đây mỗi ngày bà bán được trên 500 vé. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những người bán vé số như bà Vương vì vậy cũng bị thu hẹp “đất sống”. Nhiều tháng nay, ngày nhiều nhất bà chỉ nhận 200 vé nhưng khó khăn lắm mới bán hết.

Trong những ngày thị trấn M'Drắk thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thì bà Vương phải nghỉ bán. Nghề bán vé số làm ngày nào ăn ngày đó, vì vậy thời gian phải nghỉ bán vé số, thu nhập không còn khiến cuộc sống gia đình bà vô cùng khó khăn với các khoản chi thuê nhà, tiền thuốc cho chồng và con gái.

Vợ chồng bà Vương trong căn phòng trọ chật hẹp.

Vốn mưu sinh nhọc nhằn, dịch COVID-19 bùng phát khiến những người bán hàng rong như bà Nguyễn Thị Tuyến (ở tổ dân phố 6, thị trấn M'Drắk) càng khốn khổ.

Là phụ nữ đơn thân nuôi con, thu nhập chính của mẹ con bà Tuyến trông cả vào gánh tàu hũ bán rong mỗi ngày. Dịch bệnh ập tới, bà phải tạm dừng bán hàng rong nhiều tháng nay. Không còn thu nhập, trong khi đó khoản tiền vay thế chấp hơn 100 triệu đồng làm nhà khiến mẹ con bà gặp khó khăn chồng chất.

Cô con gái duy nhất của bà vào TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm mong đỡ đần phần nào giúp mẹ, nhưng làm việc chưa được bao lâu thì thành phố phải giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch. Bà Tuyến lại tằn tiện, gói ghém chi tiêu, mượn thêm người quen để gửi tiền cho con cầm cự nơi thành phố. Không thể bán hàng rong, cũng không thể tìm được công việc gì, bà Tuyến đành cải tạo khoảng đất trống cạnh nhà trồng ít rau xanh bán kiếm 20.000 – 30.000 đồng mỗi ngày.

Bà Tuyến đắp đổi qua ngày với những mớ rau xanh quanh nhà.

Với những lao động xa quê bị thất nghiệp, mất việc trong thời gian dài, khó khăn càng nhân lên bội phần. Nhà ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), vì cuộc sống khó khăn, anh Hà Văn Truân (38 tuổi) vào huyện M'Drắk mưu sinh với nghề phụ hồ để kiếm thêm thu nhập lo cho mẹ già ở quê. Những năm gần đây, thu nhập từ nghề xây dựng cũng khá ổn, mỗi ngày anh kiếm từ 200.000 - 220.000 đồng, tiết kiệm gửi về quê được ít nhiều.

Dịch bệnh COVID-19 hơn hai năm qua khiến công việc của anh trở nên bấp bênh do nhiều công trình xây dựng tạm dừng. Hơn 3 tháng qua anh Truân không có việc nhưng cũng không thể về quê, đành tá túc nhà người quen. "Cảnh sống xa quê phải ở nhờ, lại thêm không có việc làm, tiền bạc cạn dần, túng thiếu, cực khổ đủ bề", anh Truân trải lòng.

Không chỉ bà Vương, bà Tuyến, anh Truân, nhiều người lao động tự do khác cũng đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Họ thắt chặt chi tiêu, cầm cự qua ngày với hy vọng dịch bệnh mau chóng qua đi. Chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa huy động nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh...

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.