Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng dịch ở một xã giáp ranh

15:29, 24/09/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, là địa bàn giáp ranh với tỉnh khác, xã Ea R’bin (huyện Lắk) đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm chủ động phòng, chống dịch ngay từ vòng ngoài, không để mầm mống dịch bệnh nảy sinh bên trong.

Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lắk, lại có vị trí giáp ranh với tỉnh Đắk Nông nên việc kiểm soát dịch tại xã Ea R’bin có phần khó khăn. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 455 ha đất trồng trọt của người dân tỉnh Đắk Nông, do đó số lượng người ngoại tỉnh qua lại canh tác khá nhiều, nguy cơ mang theo mầm mống dịch bệnh rất cao. Đặc biệt, từ đầu tháng 7-2021, tình hình dịch tại tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp, do đó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Ea R’bin xác định việc kiểm soát chặt người từ tỉnh này sang địa phương mình là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Theo đó, từ ngày 5-7-2021, chốt phòng, chống dịch được lập tại khu vực cầu treo xã Ea R’bin (thuộc địa phận buôn Plao Siêng giáp ranh với xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Cán bộ y tế đo thân nhiệt cho người dân qua chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Ea R'bin.

Anh Y Long Bkrông, công an viên xã Ea R’bin cho hay, với khoảng 200 hộ dân ở tỉnh Đắk Nông có đất canh tác trên địa bàn xã nên trung bình mỗi ngày có hơn 100 lượt người qua lại để sản xuất. Để kiểm soát tốt nhất người tỉnh ngoài vào địa bàn, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt luôn túc trực 24/24 giờ, hướng dẫn khai báo y tế và kiểm tra các giấy tờ liên quan của người dân từ tỉnh Đắk Nông sang địa phương. Đối với những trường hợp không chấp hành đúng quy định phòng dịch hoặc không trình đúng giấy tờ, không có lý do chính đáng, cán bộ trực chốt yêu cầu người và phương tiện phải quay về. Về phía người dân, anh Trần Ngọc Quang (người dân thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, mỗi ngày anh đều qua chốt để chăm rẫy cà phê của mình. Sau khi xuất trình đủ giấy tờ, anh được các cán bộ trực chốt đo thân nhiệt, nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn trong lúc làm việc nên anh rất yên tâm khi vào xã canh tác.

Cùng với công tác kiểm soát người từ tỉnh Đắk Nông sang, xã Ea R’bin cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý công dân của xã trở về từ các vùng dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của xã cho biết, trong đợt dịch lần thứ tư này, xã Ea R’bin có khoảng 140 công dân từ các địa phương khác trở về, trong đó có 18 trường hợp về từ vùng dịch được cách ly y tế tập trung. Vì vậy, địa phương đã thành lập 5 tổ COVID-19 cộng đồng để thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân và công dân trở về từ vùng dịch chấp hành tốt quy định về phòng, chống dịch, nhất là tuân thủ quy định cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Ea R'bin dùng loa tuyên truyền tại buôn Phôk.

Ngoài nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh từ ngoài vào, chính quyền xã còn tăng cường phòng, chống dịch trong địa bàn. Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đời sống người dân còn thiếu thốn, đặc biệt tại vùng đồng bào Mông sinh sống, nhiều hộ chưa có điện sinh hoạt, thắp sáng, không đủ điều kiện để nghe phát thanh nên rất khó để tiếp nhận thông tin dịch bệnh. Do đó, hằng tuần, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của xã đã cắt cử các thành viên thay nhau dùng loa cầm tay đến tại các thôn, buôn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin cho biết, bên cạnh triển khai các giải pháp phòng dịch trọng tâm, chính quyền địa phương đã xây dựng trang Zalo để cập nhật thông tin chỉ đạo từ các cấp, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Cùng với đó, thời gian qua xã đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp được hơn 32 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát trên địa bàn... Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của toàn thể người dân, công tác phòng dịch ở xã vùng sâu Ea R’bin phát huy hiệu quả - là "vùng xanh" an toàn dù ở vị trí giáp ranh có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.