Multimedia Đọc Báo in

Dấu chân tình nguyện viên nơi tâm dịch

08:13, 15/09/2021

Huyện Krông Búk được xem là "điểm nóng" dịch bệnh COVID-19. Trung tâm Y tế huyện cũng là nơi điều trị F0 của các huyện: Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ. Vì vậy, khối lượng việc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của huyện rất lớn, trong đó có sự góp sức của đội thanh niên tình nguyện. 

Đội tình nguyện viên (TNV) phòng, chống dịch COVID-19 huyện Krông Búk có 35 đoàn viên thanh niên tham gia, trong đó, 8 bạn là sinh viên ngành y, dược, điều dưỡng (4 bạn mới tốt nghiệp), chia thành 3 tổ hoạt động gồm: Tổ phun thuốc khử khuẩn, truy vết và hỗ trợ nhập liệu, lấy mẫu; tổ làm nhiệm vụ trong khu điều trị F0; tổ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa.

Đội được cơ quan y tế hướng dẫn, tập huấn công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3, kiến thức phòng vệ an toàn cho bản thân…; hoạt động với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và đảm bảo chỉ huy tại chỗ).

Để thuận tiện cho công việc và tránh tình trạng lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, UBND huyện Krông Búk đã trưng dụng dãy nhà của Chi cục Thuế huyện làm nơi nghỉ cho đội ngũ TNV và các y bác sĩ .

Lực lượng tình nguyện viên họp bàn công việc trước khi đi lấy mẫu, truy vết dịch. Ảnh: M. Cường

Tùy diễn biến dịch bệnh, công việc của đội ngũ TNV có khi không kể đến giờ giấc, nhưng thường kéo dài từ sáng đến nửa đêm. Như ngày 29-8, từ đầu giờ sáng, nhóm của bạn Vũ Minh Cường xuống địa bàn thôn 6 (xã Cư Né) “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến ca F0 là chị N. T. L. trú trong thôn. Trong quá trình truy vết, nhóm phát hiện từ ngày 15 đến 20-8, chồng chị L. là anh H.H.C.(trường hợp F1) tham gia xây nhà cho một hộ dân trong thôn mà anh C. không khai báo y tế. Thời gian này, anh C. có tiếp xúc gần với 20 người gồm chủ nhà và tổ thợ xây. Nhóm lập tức kê danh sách gửi cho Trung tâm Y tế huyện và UBND xã Cư Né để ra quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp trên.

Chốt xong hồ sơ truy vết lúc 22 giờ đêm, chưa kịp nghỉ ngơi thì nhận tin bệnh nhân COVID-19 H.D.M. (SN 1915, trú buôn Drao, xã Cư Né) tử vong và được đưa về điạ phương an táng, nhóm lại tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, chính quyền xã Cư Né tiến hành các thủ tục cần thiết để an táng người mất theo quy định. Hoàn tất công việc, đồng hồ đã điểm 1 giờ sáng.

Tình nguyện viên nhận nhu yếu phẩm tại chốt phong tỏa đưa vào cho người dân. Ảnh: M. Cường

Mới tốt nghiệp Cao đẳng điều dưỡng tại Đà Nẵng trở về địa phương, bạn Nguyễn Thị Hồng Thiện (thôn 10, xã Pơng Drang) đã tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. Hằng ngày hỗ trợ lực lượng y tế huyện về các thôn, buôn lấy mẫu xét nghiệm và truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với ca F0, F1, F2, ròng rã hơn 3 tuần nay Thiện chưa về thăm nhà. Công việc thực tế nhiều khi chưa hề có trong kiến thức đã học, phải tùy tình hình mà xử lý.

Như khi nhóm TNV về buôn Ea Nho (xã Chư Kbô) lấy mẫu test nhanh COVID-19 toàn dân, nhiều người sợ phải đi cách ly nên không hợp tác, nhóm đã phối hợp với chính quyền xã cầm loa di động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Sau nhiều giờ thuyết phục bằng lời lẽ lúc nhẹ nhàng, mềm mỏng theo từng đối tượng, lúc cương quyết nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật thì người dân mới hiểu và chấp hành. Công việc có khi kéo dài ngoài dự tính, sau khi lấy mẫu về lại làm báo cáo từng trường hợp F1, F2, F3 đến 2 giờ sáng để kịp gửi cho các cơ quan hữu trách.

Không chỉ làm nhiệm vụ trong cộng đồng, lực lượng TNV còn trực tiếp hỗ trợ tại Trung tâm Y tế huyện - nơi điều trị các bệnh nhân F0. Bạn Trần Thị Thanh Mỹ, đoàn viên xã Pơng Drang kể rằng lúc ở nhà chưa quen phải làm việc nặng, nhưng giờ đã quen với việc mỗi ngày xách trên 200 suất ăn từ căng tin đến từng phòng cho bệnh nhân; tham gia thu dọn, xử lý rác thải cho bệnh nhân, vệ sinh khu vực điều trị bệnh...

Dù công việc bận rộn, vất vả, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng với tinh thần, nhiệt huyết và trách nhiệm tuổi trẻ, các bạn TNV vẫn đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.