Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk trở lại cuộc sống "bình thường mới"

08:43, 28/09/2021

Sau 29 ngày (từ ngày 26-8 đến 24-9) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Krông Búk cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch được khống chế, làm sạch.

Chính quyền địa phương quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, trừ thôn Tân Lập 2 và thôn Ea Nur (xã Pơng Drang) tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, trong đó siết chặt một số nội dung phòng, chống dịch COVID-19 cho đến khi có thông báo mới.

Đúng 6 giờ ngày 25-9, chốt kiểm soát dịch bệnh tại Km 67 thuộc thôn Ea Plai (xã Cư Né) chính thức được gỡ bỏ. Các lực lượng tham gia trực chốt tại đây khẩn trương thu dọn vật dụng trả lại hiện trạng cho tuyến đường.

Đại úy Đinh Ngọc Duy, Trưởng chốt kiểm soát dịch bệnh tại Km 67 cho biết, gần một tháng qua thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng các thành viên tham gia trực chốt đã động viên nhau khắc phục khó khăn. UBND huyện quyết định tháo dỡ các chốt kiểm soát dịch bệnh ai cũng vui mừng. Mong rằng, người dân tiếp tục chấp hành tốt các quy định để dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn.

Quốc lộ 14 đoạn qua xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) khi áp dụng Chỉ thị 15.

Tương tự, tại một số tuyến đường chính vào trung tâm hành chính huyện, các cửa ngõ ra, vào các xã, nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 cũng đồng loạt tháo gỡ. Hiện, UBND huyện chỉ duy trì 1 chốt kiểm soát dịch trên trục Quốc lộ 14 thuộc xã Pơng Drang; thành lập 3 tổ tuần tra của Công an huyện để kiểm soát chặt chẽ người có nguy cơ cao ra, vào địa bàn huyện, đồng thời tăng cường tuyên truyền, đôn đốc việc thực hiện những quy định phòng, chống dịch tại các địa phương.

Sau nhiều ngày đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, một số hoạt động thương mại, dịch vụ bắt đầu hoạt động trở lại, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn huyện bắt tay dọn dẹp, chuẩn bị chỉ bán hàng mang đi. Anh Nguyễn Trường Thi, chủ quán bún phở ở thôn 9A (xã Pơng Drang) trò chuyện: “Chắc chắn bán hàng mang về thu nhập không bằng như khi chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng ai cũng vui. Nhân viên có việc làm, chủ quán có tiền trang trải mọi thứ”.

Chợ Pơng Drang (huyện Krông Búk) ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
 

Địa phương đang chuyển sang trạng thái chống dịch mới, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi vàphát triển kinh tế”.

 

 Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Thái Thuận, chủ quán cà phê Song Thuận ở thôn 13 (xã Pơng Drang) cho biết, địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện theo Chỉ thị 15, tôi vui đến mất ngủ, thấp thỏm đợi đến sáng để được ra quán. Sau một thời gian dài phải đóng cửa quán, các vật dụng pha chế, bàn ghế bám đầy bụi, cả nhà nhanh chóng dọn vệ sinh, sắp xếp lại mọi thứ trước khi mở cửa phục vụ và không quên trang bị khẩu trang cho nhân viên và nước rửa tay sát khuẩn cho khách đến quán.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện, đa phần các quầy hàng đã mở cửa trở lại, lượng khách đến chợ khá đông, song cả tiểu thương và người dân đều chấp hành quy định “5K” của Bộ Y tế. Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền tránh tình trạng người dân tập trung đông người ở một khu vực mua bán.

Ngay ngày đầu nới lỏng giãn cách, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã tiến hành kiểm tra hoạt động tại một số điểm kinh doanh, dịch vụ ăn uống để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. "Qua kiểm tra, hầu hết người dân, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đối với những hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu đều tuân thủ tạm dừng hoạt động", Đại úy Tạ Quang Vĩnh Duy, Trưởng Công an xã Cư Né cho biết.

 

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.