Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến ở huyện Buôn Đôn

10:09, 14/09/2021

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến đang được xem là một giải pháp tình thế nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, tại huyện Buôn Đôn việc triển khai học trực tuyến đang gặp nhiều khó khăn.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Ea Wer) bước vào năm học 2021 - 2022 có 819 học sinh, trong đó có 174 học sinh dân tộc thiểu số. Đây là trường điểm nằm ở khu vực trung tâm huyện và có số học sinh đông nhất so với các trường tiểu học khác trên địa bàn huyện.

Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, ngay từ cuối tháng 8-2021, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dạy học trực tuyến như bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực xây dựng bài giảng trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ học sinh về thiết bị, phương pháp học trực tuyến; xây dựng nội quy lớp học trực tuyến, đảm bảo kỷ cương nền nếp giờ học, quản lý sĩ số học sinh...

 Cô Lê Thị Lanh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh cho biết, qua khảo soát trường có 503/819 em có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến (đạt 61,7%), đây là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ giáo viên trong công tác tuyên truyền vận động phụ huynh ủng hộ.  

Để công tác dạy học online thực sự có hiệu quả, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đã xây dựng hai phương án: Đối với những học sinh có máy tính được kết nối mạng Internet, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến trên nền tảng Google Meet, K12Online, Zoom meetings… Đối với những học sinh không có máy tính, không có điện thoại thông minh, nhà trường phối hợp cùng phụ huynh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trên chuyên mục “Dạy tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng và trên kênh Youtube để giúp các học sinh lớp 1 học phần học vần.

Đối với các khối lớp 2, 3, 4, 5 các em đã đọc thông viết thạo thì giáo viên có thể xây dựng đề cương ôn tập theo tuần hoặc liệt kê các bài trong sách giáo khoa, giao cho học sinh hoàn thành nội dung kiến thức của từng bài học. Đồng thời tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức “phiếu học tập” để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đang hướng dẫn cho học sinh làm quen với cách học trực tuyến.
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đang hướng dẫn cho học sinh làm quen với cách học trực tuyến.
 
Không được thuận lợi như Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến thấp hơn rất nhiều. Cô H’Tú Byă, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na) cho biết, trường có 714 học sinh thì có đến 680 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, 330 em thuộc hộ nghèo. Điển hình như gia đình chị Sao Kẹo Lào (Ea Rông, xã Krông Na) có 4 người con, trong đó cậu con trai đầu học lớp 6, hai cô con gái sinh đôi sau học lớp 2, cô con gái út mới 7 tháng tuổi. Chị Sao Kẹo Lào chia sẻ: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh rất khó khăn, nương rẫy không có phải đi làm thuê để kiếm sống. Giờ dịch bệnh không ai thuê mướn đang phải lo chạy ăn từng bữa thì lấy đâu tiền mua máy tính, điện thoại thông minh và lắp đặt mạng Internet cho các cháu học. Tất cả chỉ biết trông cậy vào nhà trường và thầy cô giúp đỡ”. 
 
Trên địa bàn xã còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Sao Kẹo Lào. Trước khó khăn đó, Trường Tiểu học Y Jút đã có hai phương án: Đối với gia đình học sinh có điều kiện sẽ kết nối cho học sinh học trực tuyến. Đối với học sinh không có điều kiện học trực tuyến thì giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy học tập trung cho các em, chia thành 2 ca (sáng, chiều), nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm đến nhà học sinh giao bài để các em tự học và làm bài ở nhà với sự trợ giúp, giám sát của phụ huynh.
 
Giáo viên Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na) đang hướng dẫn học sinh làm quen cách học online trên điện thoại. Ảnh: T.Nga
Giáo viên Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na) đang hướng dẫn học sinh làm quen cách học online trên điện thoại.
 
Tại Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na) năm học này có 11 lớp, với 327 học sinh, trong đó 272 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và khoảng 50% em thuộc hộ nghèo, chưa kể nhiều gia đình phụ huynh có từ 2 đến 3 con cùng đi học, nên việc mua sắm thiết bị phục vụ việc học online đối với các em rất hạn chế.
 

Toàn trường chỉ có khoảng 15 - 20% học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến. “Trước tình hình đó, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học dưới nhiều hình thức: học sinh nào có thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh thì học trực tuyến; học sinh nào mà gia đình chỉ có ti vi thì hướng dẫn cho các em học trên kênh VTV7 và các kênh truyền hình khác. Đối với những em gia đình không có thiết bị gì thì giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, in sao rồi chuyển cho học sinh và hướng dẫn các em học tập”, cô Phạm Thị Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Huyện Buôn Đôn hiện có 12 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 8 trường THCS, với tổng số 15.080 học sinh. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số gần 8.000 em. Qua thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có 41,84% học sinh THCS và 30% học sinh tiểu học có thể tham gia việc học trực tuyến qua các thiết bị hỗ trợ, bằng điện thoại thông minh và các điều kiện khác. Ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn cho biết, trước thực trạng vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn do thiếu trang thiết bị phục vụ học trực tuyến, Phòng đã chỉ đạo các trường căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch, lựa chọn những giải pháp cụ thể, sát thực tế đáp ứng tốt nhất nhu cầu dạy và học trực tuyến. Qua đó vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng và hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ.

Hy vọng với những giải pháp cụ thể được đặt ra để khắc phục những khó khăn trong công tác dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Buôn Đôn sẽ hoàn thành nhiệm vụ vừa chống dịch vừa đảm bảo tiến độ dạy và học trên địa bàn.

 

Thanh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.