Multimedia Đọc Báo in

Cần giúp người lao động “an cư”

15:30, 09/10/2021

Những ngày qua, dư luận xã hội không ngừng băn khoăn với câu hỏi tại sao khi đại dịch đang lắng xuống, nhiều lao động không tiếp tục bám trụ ở TP. Hồ Chí Minh nữa. Phải chăng không thể có được cơ hội “an cư” là lý do khiến họ phải quyết định kết thúc cảnh sống ngụ cư giữa lòng đô thị?

Vấn đề này đã được Bộ Xây dựng cùng một số tỉnh thành và ngành hữu quan đặt ra tại một tọa đàm mới đây, nhấn mạnh vấn đề làm sao có được những quỹ nhà ở thực sự bền vững và thực tế cho người lao động nơi đô thị.

Không thể lạc nghiệp vì khó an cư?

Theo một số liệu thống kê không chính thức, hơn 2,5 triệu lao động trong số hơn 3,5 triệu lao động tại tỉnh Bình Dương đang muốn rời khỏi địa phương là đầu mối sản xuất lớn ở phía Nam này để về quê sau đại dịch COVID-19. Nhiều người trong số này cho biết, họ đã chấp nhận cảnh sống nhà trọ tạm bợ trong nhiều năm qua với hy vọng tìm được cơ hội ổn định cuộc sống khi công việc tốt hơn, đi cùng các dự án đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, đại dịch diễn ra đã khiến viễn cảnh này tan vỡ.

Các nhà máy ngưng hoạt động trong nhiều tháng đã đẩy người lao động vào thế cùng kiệt, mà chi phí duy trì sinh hoạt là gánh nặng lớn nhất với họ. Không ít người suy tính, một gia đình ở trọ trong khu lao động nghèo, ít nhất cũng mất 3 triệu đồng thuê nhà và điện nước/tháng, nếu về quê, họ, sẽ giảm được khoản chi phí này. “Nếu có căn hộ, ổn định chỗ ở, chúng tôi sẽ quyết nán lại. Nhưng cảnh nhà thuê, bao nhiêu chi phí dồn đến trong khi không có khoản thu nhập nào khiến chúng tôi phải tính đường về”, chị Linh P., một nữ công nhân ở khu nhà trọ giá rẻ Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) giải thích. Người phụ nữ trẻ gốc miền Tây này cùng gia đình, cũng như rất nhiều gia đình công nhân khác tại Bình Dương, buộc phải thay đổi quyết định cuộc sống, dù đã gần chục năm trời rời quê lên đô thị làm công nhân, chỉ bởi mãi không đủ khả năng mua nhà ở. Dịch bệnh càng khiến nỗi day dứt làm sao an cư lạc nghiệp trở thành nỗi ám ảnh và triệt tiêu mọi hy vọng đổi đời ly nông của những lao động này.

Đối chiếu với hàng triệu lao động khác ở TP. Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, có thể thấy câu chuyện nhà ở cho người lao động chính là nền tảng phải nghĩ đến, khi mà hậu đại dịch các đô thị sẽ đối mặt vấn đề thiếu hụt nhân lực khi lao động rời đi. Nhiều năm qua, mục tiêu xây dựng nhà ở cho người lao động đã được nhiều tỉnh thành đặt ra, nhưng tất cả chưa thực sự đúng căn cơ bền vững và hợp lý, ngày càng kéo người lao động xa với giấc mơ có được một chỗ ở cho mình.

Người lao động Đắk Lắk trở về từ các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: Kim Hoàng
Người lao động Đắk Lắk trở về từ các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: Kim Hoàng

Thách thức của đô thị lớn

Trao đổi mới đây giữa Bộ Xây dựng với các địa phương cho thấy, nhu cầu nhà ở cho người lao động đô thị, gồm cả đội ngũ công nhân và người lao động kinh doanh tự do là vấn đề nan giải đã bàn nhiều nhưng chưa làm tốt. Thực trạng khai thác đất ở đô thị theo hướng giá trị gia tăng, nhắm vào các nhu cầu nhà ở cao cấp, các khu đô thị hạng sang đã biến quỹ đất ngày càng giảm diện tích và tăng giá. Hàng trăm héc-ta đất ở đang được các dự án đô thị 5 sao, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng… chiếm hữu, hoạt động thị trường môi giới tăng tiến không ngừng, mà không hề có cơ hội thực tế nào cho quỹ nhà ở người lao động.

Dĩ nhiên theo quy hoạch, luôn có 20% quỹ đất ở này được Bộ Xây dựng đề nghị bố trí cho người thu nhập thấp, nhưng phản ảnh từ các dự án cho thấy, các chủ đầu tư luôn nghĩ đến lợi nhuận sẽ luôn muốn biến tỷ lệ đất ở ấy tiếp tục thành những “mảnh đất vàng”. Giá nhà ở tại các khu đô thị cao cấp luôn tăng, vượt quá sức người lao động; mà nếu hạ thấp xuống thì lại đi ngược quyền lợi các nhà đầu tư, vì họ muốn nhắm đến phân khúc giá trị cao. Mâu thuẫn ấy vẫn đang diễn ra, chưa có lời giải đáp, với diễn biến dịch bệnh hiện nay lại càng cam go, khó xử lý.

Theo kiến nghị của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã đến lúc phải xét lại các tiêu chí và cách xây dựng quỹ nhà ở cho người lao động tại các đô thị. Có thể sử dụng giải pháp dùng giá trị 20% quỹ đất quy hoạch cho người có thu nhập thấp ở các dự án quy hoạch chất lượng để chuyển đổi thành các dự án khu nhà ở cho người lao động, tại vị trí hợp lý hơn, diện tích tăng lên và giá thành hài hòa hơn. Ở đây, không phải là sự phân biệt giàu nghèo, mà cần một đánh giá cơ hội công bằng cho người lao động có nhà ở thực sự.

Với những đô thị đang phát triển như TP. Buôn Ma Thuột, bài toán cân nhắc đó cần đặt ra ngay từ bây giờ. Không thể đợi đến lúc thành phố phải đối diện thực trạng nan giải như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương mới có sự tính toán lại. Những nhận thức quy hoạch kiểu “quỹ đất vàng” tại trung tâm đô thị là chỉ dành cho những dự án 5 sao, đẳng cấp… thực sự phải được xem xét lại. Vai trò cuộc sống và nhu cầu của người lao động, chỉ với ước mơ được sở hữu nhà ở, phải được đặt lại nghiêm túc.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.