Multimedia Đọc Báo in

Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe

08:07, 01/10/2021

Với sự quan tâm chăm lo thiết thực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, người cao tuổi có điều kiện nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe.

Chăm lo người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

Theo số liệu thống kê của Hội Người cao tuổi tỉnh, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 129.000 hội viên người cao tuổi (đạt 92,5%).

Với phương châm không để bất kỳ người cao tuổi nào phải sống thiếu thốn về vật chất và tinh thần; được tham gia sinh hoạt cộng đồng, được chăm sóc về sức khỏe… thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi.

Qua đó, triển khai nhiều mô hình, phong trào thiết thực, như chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”; mô hình tổ chức, doanh nghiệp nhận trợ cấp suốt đời cho người cao tuổi neo đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xóa nhà tạm cho người cao tuổi...

Đơn cử như ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), Hội Người cao tuổi phường triển khai khá hiệu quả việc nhận trợ cấp suốt đời cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua sự vận động của Hội, hơn 10 năm nay, Công ty Cổ phần Cà phê An Thái (đóng trên địa bàn phường) nhận trợ cấp suốt đời cho hàng chục người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 300 nghìn đồng/người/tháng. Trong đó, có thời điểm, đơn vị nhận hỗ trợ nhiều nhất là 15 cụ.

Với sự hỗ trợ này, các cụ không chỉ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống mà còn thêm niềm tin về sự quan tâm của xã hội để có nhiều hơn nữa niềm vui trong cuộc sống.

Cán bộ Hội Người cao tuổi phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thăm hỏi hội viên trên địa bàn phường.

Hay như trường hợp gia đình ông Lê Trọng Thực (hội viên người cao tuổi thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) có hoàn cảnh khó khăn, bản thân vợ chồng ông tuổi đã cao, không còn sức lao động, không có thu nhập nên nhiều năm nay vẫn sinh sống trong căn nhà ván tạm bợ, dột nát.

Cuối năm 2020, ông Thực đã được Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh phối hợp Tập đoàn Bảo Việt hỗ trợ 60 triệu đồng (trong đó, Tập đoàn Bảo Việt hỗ trợ 50 triệu đồng, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng) và bà con, hàng xóm đóng góp thêm 10 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang hơn, mang lại cho vợ chồng ông sự an tâm và niềm vui tuổi già.

Rèn luyện thể chất và tinh thần

Tháng 10 hằng năm được chọn làm Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Năm nay, tháng có chủ đề "Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn". Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu: 100% cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch và đầu tư ngân sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng ít nhất 1 mô hình Trung tâm Dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại tỉnh...

Cùng với công tác chăm lo đời sống vật chất cho người cao tuổi, các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo hội viên người cao tuổi tham gia để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo đó, nhiều câu lạc bộ (CLB) thể dục dưỡng sinh, văn nghệ được thành lập đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các cụ.

Đơn cử như CLB đàn tính - hát then xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) do bà Hoàng Thị Dung làm chủ nhiệm.

Từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ giữa vườn cà phê của bà trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích cho người cao tuổi trên địa bàn, buổi tối mọi người hay tụ họp về đây cùng nhau đàn, hát những làn điệu dân ca đậm nỗi nhớ tình yêu quê hương, xứ sở.

CLB không chỉ là nơi gửi niềm say mê, tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc của những người con dân tộc Tày, Nùng nơi xa xứ mà còn là sân chơi, nơi giao lưu của những người cao tuổi và thế hệ con cháu sau những giờ làm việc mệt nhọc, vất vả.

Các thành viên CLB đàn tính - hát then xã Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) giao lưu, luyện tập chuẩn bị cho một hội diễn.

CLB dưỡng sinh ở buôn Alê A, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) mỗi sáng sớm lại thu hút các thành viên tập trung tại sân của nhà cộng đồng buôn, trước là để luyện tập các bài dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu nhằm rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai; sau là giao lưu, trò chuyện.

Dù mỗi người có công việc, hoàn cảnh khác nhau, có người là nông dân, nội trợ, tiểu thương, cũng có người là những cán bộ công chức đã nghỉ hưu… nhưng khi đã tham gia luyện tập, ai cũng cảm thấy thư thái, vui khỏe. Mỗi khi có kế hoạch tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu, các thành viên lại háo hức chuẩn bị dụng cụ, trang phục và những bài diễn với tâm thế phấn khởi, vui tươi trẻ trung. 

Hiện toàn tỉnh có trên 600 CLB người cao tuổi, tạo sân chơi bổ ích cho hội viên. Trong đó, nhiều CLB như: bóng chuyền hơi, cầu lông, khiêu vũ, thể dục dưỡng sinh, thơ ca, văn nghệ… hoạt động tích cực với nội dung cách thức phù hợp độ tuổi, điều kiện người cao tuổi đã thu hút đông đảo thành viên.

Để góp phần động viên, khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, hằng năm các cấp hội người cao tuổi trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi tạo sân chơi lành mạnh, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.