Multimedia Đọc Báo in

“Đi chợ hộ” lên ngôi

09:26, 16/10/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quen dần với việc đặt hàng online và dịch vụ "đi chợ hộ". Hình thức này đem lại nhiều tiện lợi, tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh từ tiếp xúc trực tiếp.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng địa phương, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã bổ sung thêm hình thức đặt hàng qua điện thoại, "đi chợ hộ", giao hàng tận nhà... nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm mà không phải ra khỏi nhà.

Theo nhiều siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm trên địa bàn, dịch bệnh COVID-19 bùng phát làm hình thức mua hàng trực tuyến tăng nhanh, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột linh hoạt các hình thức bán hàng qua 3 kênh: qua điện thoại, qua website, qua app của siêu thị. Nhân viên bán hàng kiêm luôn việc “đi chợ hộ” cho khách theo đơn hàng đã chọn.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, siêu thị phân công các tổ nhân viên phụ trách việc nhận đơn hàng online theo yêu cầu của khách và thực hiện “đi chợ hộ”. Theo đó, mỗi ngày trên website, trang Zalo của siêu thị cập nhập liên tục những mặt hàng đang bày bán, khách hàng chỉ việc theo dõi và đặt hàng. Nhân viên siêu thị trực tiếp lựa chọn, đóng gói, kiểm tra lần cuối rồi giao tận nhà cho khách. Quá trình chọn đơn hàng, giữa nhân viên và khách có sự trao đổi thêm với nhau để tư vấn, hoặc thay đổi các món hàng cho phù hợp. Thông thường, nhóm hàng thực phẩm tươi sống được chọn mua nhiều nhất nên siêu thị thường cố gắng giao trong khoảng thời gian từ 1 - 3 giờ sau khi tiếp nhận đơn hàng.

Nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê "đi chợ hộ" theo đơn hàng của khách.

Tại Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, nhu cầu đặt hàng online và "đi chợ hộ" cũng tăng cao trong thời gian qua. Siêu thị bố trí một bộ phận tiếp nhận đơn hàng khách đặt qua các ứng dụng, sau đó liên hệ với khách để xác nhận, tiến hành soạn đơn theo giỏ hàng của khách đặt. Quá trình lựa chọn hàng hóa, thực phẩm, nhân viên liên hệ với khách trao đổi, tư vấn, chụp ảnh từng món hàng để tăng độ hài lòng cho người tiêu dùng. Riêng đối với thực phẩm là cá, hải sản tươi sống, siêu thị có cách bảo quản thích hợp để hàng khi giao đến tận tay cho khách vẫn bảo đảm chất lượng, độ tươi mới.

Thống kê sơ bộ của các siêu thị cho thấy, mỗi siêu thị bình quân có khoảng 150 - 200 đơn hàng online "đi chợ hộ" mỗi ngày. Các siêu thị cũng làm việc với nhà cung cấp chuẩn bị đủ lượng hàng thiết yếu, giá bình ổn và thực hiện giảm giá để hỗ trợ người dân mua sắm. Bên cạnh đó, để thuận tiện hơn cho người dân mua hàng thực phẩm trực tuyến, những gói hàng bán theo combo cũng được các siêu thị triển khai, nhưng không được ưa chuộng lắm vì nhu cầu mỗi gia đình khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là việc khách đặt hàng theo từng món riêng biệt, nhân viên siêu thị sẽ lựa từng món hàng theo yêu cầu của khách. Theo các đơn vị kinh doanh, việc làm này khá mất thời gian và phải huy động nhân viên nhiều hơn để lựa từng giỏ hàng, song bù lại sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng.

Nhân viên Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột chuẩn bị hàng hóa theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng.

Không chỉ các siêu thị lớn, dịch vụ "đi chợ hộ" còn có sự tham gia của các cửa hàng lẻ. Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện bán hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook, website của công ty.

Ông Võ Văn Tú, Giám đốc công ty cho hay, việc "đi chợ hộ" được đơn vị triển khai từ tháng 4-2021. Cao điểm, có ngày cửa hàng của công ty nhận 800 đơn hàng "đi chợ hộ" của khách. Đơn vị phân công theo từng nhóm nhân viên phụ trách tiếp nhận đơn, lựa giỏ hàng theo yêu cầu, tương tác với khách hàng và hẹn giao hàng theo khung giờ phù hợp.

Cùng với việc lựa chọn hàng hóa, cửa hàng cũng hỗ trợ sơ chế thực phẩm tươi sống và tặng kèm các gói gia vị như hành, tỏi, ớt, chanh… để giúp khách hàng thuận lợi hơn khi chế biến thực phẩm. Đối với những mặt hàng không được cung ứng tại cửa hàng thì đơn vị nhận đi mua hộ rồi giao tận nhà cho khách. Khi giao hàng, nhân viên mặc trang phục bảo hộ và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Việc "đi chợ hộ" nhận được sự quan tâm và lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Chị Phạm Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, cứ mỗi tuần 2 lần, chị ngồi ở nhà và đi chợ… qua điện thoại. Không cần đến tận nơi, chị vẫn đặt mua đủ nguyên liệu cần thiết để chế biến thực phẩm. Trước đây, riêng đối với hàng hóa là thực phẩm tươi sống, chị phải đến tận nơi, tự tay lựa chọn cho vừa ý, nhưng nay mọi thứ đã tiện lợi hơn rất nhiều. Chị chỉ cần kết nối Zalo với số điện thoại của siêu thị, chọn đồ, lên đơn, nhân viên siêu thị sẽ chụp ảnh các món chị cần để chị chọn những món đồ ưng ý nhất.

Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), tận dụng nền tảng online, tiện ích trực tuyến, các cửa hàng, hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn đã đa dạng phương thức bán hàng để tạo tiện lợi hơn cho khách hàng. Trong thời điểm dịch bệnh, hình thức giao dịch trực tuyến chiếm 20% doanh số bán hàng của các đơn vị. Điều này cũng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.