Multimedia Đọc Báo in

An dân để phòng, chống dịch

06:40, 23/11/2021

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tỉnh luôn quan tâm đến việc tuyên truyền và chăm lo an sinh cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) .

Tuyên truyền bằng đa ngữ

Ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc tuyên truyền thực hiện bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao ở nơi đó để người dân dễ dàng nắm bắt, làm theo.

Xã Yang Tao (huyện Lắk) có 90% là người dân tộc M’nông. Ông Y Thơi Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hầu hết đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, ít tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt là người lớn tuổi không biết chữ hoặc không hiểu rõ tiếng phổ thông.

Vì vậy, xã thực hiện tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng M’nông trên hệ thống truyền thanh cơ sở, loa lưu động về những nội dung chính yếu trong các chỉ thị, công văn của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đồng bào dễ nắm bắt.

Già làng Y Sió Aliô ở buôn Biăp cho hay, nhờ tuyên truyền bằng tiếng mẹ đẻ mà người dân hiểu hơn. Là người có uy tín của buôn, lại tuyên truyền bằng tiếng dân tộc mình, những lời nhắc nhở, thông tin ông trao đổi đều được bà con ghi nhớ và thực hiện.

Già làng Y Sió Aliô (giữa) tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân.

Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) có ba dân tộc Kinh, Êđê, Dao cùng sinh sống, nên xã cũng đã thực hiện tuyên truyền bằng tiếng của cả ba dân tộc. Xe tuyên truyền lưu động đi đến từng thôn, buôn, vào cả các con đường rẫy để thông tin cho bà con hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, cảnh báo những rủi ro, thiệt hại nếu lơ là, chủ quan để dịch lây lan rộng ra cộng đồng, từ đó tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai in ấn 15.000 tờ rơi, cẩm nang tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng ba thứ tiếng Kinh, Êđê, M'nông để phát cho đồng bào DTTS; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk xây dựng, sản xuất chương trình truyền hình, phát thanh nội dung phòng, chống dịch COVID-19 trong đồng bào DTTS bằng ba thứ tiếng Kinh, Êđê, M'nông, cung cấp đến các đài truyền thanh - truyền hình tuyến huyện và đài truyền thanh cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi để tuyên truyền cho đồng bào.

Linh hoạt cách làm phù hợp với tình hình

Ngoài hình thức tuyên truyền đa ngữ, những biện pháp phòng, chống dịch sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Bà Phạm Thị Thu (Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê) cho biết, từ khi dịch bùng phát trong tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã (Ban Chỉ đạo) đã chỉ đạo kích hoạt 52 tổ COVID-19 cộng đồng gồm 104 thành viên ở 10 thôn, buôn. Các thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lấy đầy đủ thông tin của các hộ gia đình trong phạm vi mình quản lý. Nhờ vậy, ngay khi xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn xã, thông qua Ban tự quản thôn, buôn và tổ COVID-19 cộng đồng đã nhanh chóng truy vết các trường hợp liên quan, hạn chế tối đa sự lây lan.

Người dân xã Yang Tao (huyện Lắk) tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ngoài ra, hiểu được tâm lý lo sợ của các trường hợp bị tiếp xúc gần, sự khó chịu của các gia đình khi bị giăng dây và dán thông báo cảnh báo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã khéo léo, mềm mỏng với từng trường hợp, nhẹ nhàng thông báo về tình hình sau đó thuyết phục để thực hiện việc phong tỏa tạm thời, cho đến khi có kết quả xét nghiệm PCR chính xác để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Song song đó, xã Cư Suê cũng quan tâm, chăm lo đến đời sống của người dân, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Khi dịch xảy ra trên địa bàn xã, có nhiều gia đình đi cách ly tập trung cả nhà, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ban tự quản thôn, buôn, tổ COVID-19 cộng đồng… cử người trông coi, bảo vệ tài sản, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm để người dân yên tâm cách ly. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm, người dân trên địa bàn xã cũng hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn (trị giá hơn 200 triệu đồng)… để giúp tuyến đầu và các hộ nghèo, cận nghèo, bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh có thể cùng nhau vượt qua khó khăn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.