Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai trong vùng dân tộc thiểu số

07:00, 29/11/2021

Với nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai, người dân vùng dân tộc thiểu số tại huyện Buôn Đôn ngày càng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Xã Ea Wer có 14 thôn, buôn, trong đó có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và 2 thôn có phần lớn dân cư là dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc. Vốn là một xã vùng 3, điều kiện ở các thôn, buôn dân tộc thiểu số lại càng thêm khó khăn bởi trình độ, nhận thức của bà con chưa cao, đất đai canh tác cằn cỗi, bạc màu. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer Nguyễn Văn Tám cho biết, bà con dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ thường cho rằng đất đai canh tác do ông cha để lại thì cứ thế mà sử dụng chứ chưa am hiểu và quan tâm nhiều đến các thủ tục pháp lý có liên quan. Điều này dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện về ranh giới, khó khăn cho bà con khi cần sang nhượng, cho tặng, thừa kế, vay vốn làm ăn…          

Những ngôi nhà sàn truyền thống của các gia đình người M'nông có quan hệ huyết thống tại buôn Trí B, xã Ea Nuôl. 

Chính quyền xã Ea Wer đã ưu tiên tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi phát động quần chúng, lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư giúp người dân dễ dàng nắm bắt các chính sách, pháp luật về đất đai. Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền cũng ngày càng được đa dạng hơn qua hình thức tờ gấp, bản tin trên loa truyền thanh, niêm yết văn bản tại nhà cộng đồng hoặc trụ sở thôn, buôn… Mặt khác, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng được thông tin rộng rãi đến người dân theo quan điểm bảo vệ tối đa quyền lợi của nhân dân dựa trên các quy định của pháp luật. Nhờ đó, trong hơn hai năm qua, ý thức chấp hành của bà con đã có những chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày một tăng, đạt trên 90%, toàn xã không có tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Một vụ tranh chấp ranh giới đất giữa hai gia đình người dân tộc Nùng tại xã Cuôr Knia đã được địa phương giải quyết ổn thỏa. 

 Xã Cuôr Knia có 67% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư đến địa bàn xã từ khoảng 30 năm trước. Ông Hoàng Quốc Việt, cán bộ địa chính xã Cuôr Knia chia sẻ, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn đã đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, do tình hình sử dụng đất của bà con có nhiều biến động nên địa bàn xã vẫn xảy ra những vụ việc chồng lấn về ranh giới, tranh chấp diện tích đất giáp ranh. Chính quyền địa phương cùng các đoàn thể luôn ưu tiên thực hiện tuyên truyền, vận động bà con đăng ký, cập nhật các biến động đất đai. Đồng thời, phát huy vai trò của cấp ủy, ban tự quản và người có uy tín ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chuyển tải các chính sách về đất đai, kiến thức về pháp luật có liên quan để người dân nắm vững hơn. Thông qua việc hòa giải, xử lý các vụ việc tranh chấp, chính quyền xã cũng lồng ghép công tác tuyên truyền, giúp các kiến thức pháp luật trở nên gần gũi hơn với thực tế đời sống của bà con. Nhờ đó, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, khiếu kiện, tranh chấp đã giảm nhiều so với những năm trước đây.        

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Buôn Đôn Nguyễn Thế Thành, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về đất đai sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.