Tảo hôn - “điệp khúc buồn" ở làng Mông
Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền song vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra tại làng Mông (xã Ea R’bin, huyện Lắk), dẫn đến nhiều hệ lụy.
Chúng tôi theo chân y sĩ Lê Tiến Công, cán bộ Trạm Y tế xã Ea R’bin đến làng Mông để tuyên truyền người dân kết hôn đúng tuổi và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ trẻ địu con trên lưng lên rẫy, lội ruộng.
Khi đến hộ chị Sùng Thị Sải (SN 1986), hiện ra trước mắt là căn nhà nhỏ lụp xụp, chật ních, nền đất, xung quanh được che chắn bằng những tấm gỗ tạp. Đây là nơi tá túc của 7 con người, gồm vợ chồng chị và 5 người con, đứa lớn nhất năm nay 15 tuổi, đứa nhỏ mới được 6 tháng tuổi.
Chị Sùng Thị Sải (làng Mông, xã Ea R'bin, huyện Lắk) cùng các con của mình. |
Chị Sải lập gia đình từ lúc 16 tuổi, chồng chị 18 tuổi. Sau khi kết hôn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhà chỉ có 2 sào đất trồng lúa, hằng ngày chồng chị phải đi làm thuê nay đây mai đó, ai gọi gì làm nấy để trang trải cuộc sống. Đồng tiền làm thuê không ổn định nên cuộc sống của vợ chồng chị thiếu trước hụt sau, nhất là từ khi chị Sải sinh con đầu lòng, rồi liên tiếp những đứa con khác lần lượt ra đời.
Bế trên tay đứa con út mới 6 tháng tuổi, chị Sải trải lòng: Lấy chồng sớm lại sinh nhiều con nên năm này sang năm khác, chị chỉ quanh quẩn ở nhà sinh và nuôi con. Vẫn biết sinh nhiều con là khổ, nhưng do quan niệm muốn đông con, vợ chồng chị không áp dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên sinh nhiều, sinh dày.
Con gái đầu của vợ chồng chị là Lầu Thị Lia (SN 2006) học giỏi, ngoan hiền, nhưng vì nhà nghèo nên khi Lia học hết lớp 9 đã phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ chăm sóc các em. Nay Lia tròn 15 tuổi, vợ chồng chị đang có ý định gả con gái cho một người trong làng.
Trong khi đó, nhà em Linh Thị Dinh (SN 2003) là một căn chòi gỗ nhỏ chưa đầy 30 m2 nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa heo hút ở cuối làng Mông. Mới 17 tuổi, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng Dinh đã là mẹ của hai đứa trẻ. Dinh cho hay, học xong lớp 6, em đã bị bắt đi làm vợ người ta. Cuộc sống vợ chồng trẻ đã khó khăn lại phải nuôi thêm hai đứa con nhỏ nên chồng em phải đi làm thuê từ tờ mờ sáng tới tối muộn mới về. Lấy chồng khi còn trẻ người non dạ nên Dinh chẳng biết làm gì ngoài sinh con, mọi việc vẫn vụng về, luống cuống như một đứa trẻ.
Dinh tâm sự, giờ em mới thấy ân hận vì lấy chồng, sinh con sớm. Nếu như em vượt qua được những hủ tục của người làng Mông, quyết tâm theo học thì giờ đây em sẽ là sinh viên của một trường học nào đó, ít ra cũng được như những người bạn của mình làm công nhân cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần thấy các bạn về nhà kể chuyện học hành, đi đây đi đó là em lại thấy tiếc…
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea R'bin (huyện Lắk) đang tuyên truyền về kết hôn đúng độ tuổi và kế hoạch hóa gia đình cho hộ chị Sùng Thị Sải. |
Tại làng Mông, không chỉ riêng chị Sải hay em Dinh mà còn nhiều trường hợp tảo hôn khác. Theo thống kê, làng Mông có 67 hộ, 560 nhân khẩu, riêng năm 2020, có 4 trường hợp lấy chồng khi chưa đủ tuổi, chủ yếu tập trung vào các độ tuổi 14 - 15. Y sĩ Lê Tiến Công cho hay, việc các em lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi trưởng thành gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Nhiều trẻ em người Mông dang dở chuyện học hành, phải làm bố, làm mẹ khi chưa hoàn thiện cả về thể chất lẫn nhận thức. Tảo hôn không những làm suy giảm chất lượng giống nòi mà còn tác động đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin cho biết, để hạn chế tình trạng trên, hằng năm cán bộ Trạm Y tế xã tổ chức tuyên truyền lồng ghép nhiều nội dung về vấn nạn tảo hôn, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc bà mẹ trước và sau sinh. Cùng với đó, vận động lớp trẻ tham gia vào các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ tại địa phương nhằm từng bước nâng cao nhận thức của họ về các vấn đề xã hội nói chung và tảo hôn nói riêng, với mong muốn họ sẽ là những tuyên truyền viên tại cơ sở, góp tiếng nói vào việc thay đổi phong tục, tập quán của bà con.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc