Multimedia Đọc Báo in

Tập trung hoàn thiện trung tâm hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng

06:37, 08/11/2021

Có mặt tại Đắk Lắk, những ngày qua, Tổ công tác hỗ trợ của Bộ Y tế đã và đang tích cực chuyển giao kỹ thuật ECMO và hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên hoàn thiện trung tâm hồi sức cấp cứu nhằm giúp Đắk Lắk nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tính đến ngày 7-11, tại BVĐK vùng Tây Nguyên đang điều trị cho trên 50 bệnh nhân COVID-19 nặng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện sử dụng nguồn nhân lực chuyên môn chủ đạo từ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bước đầu chia thành 20 nhóm, mỗi nhóm 26 người.

Theo bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, do số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng, hiện tại ngoài thu dung, điều trị cho các bệnh nhân tầng 3, bệnh viện tiếp tục nhận điều trị thêm bệnh nhân tầng 2 trong tháp điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch nâng công suất điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khu nhà E.

Tổ công tác làm việc với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện đã tổ chức hai lớp tập huấn cho bác sĩ và điều dưỡng sử dụng máy thở và chăm sóc người bệnh hồi sức cấp cứu. Đồng thời luân phiên đào tạo nhân lực tại chỗ về hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và nguy kịch để đáp ứng 90 giường hồi sức tích cực.

Tuy nhiên, trước tình trạng bệnh nhân tăng nhanh trong thời gian gần đây, bệnh viện thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng về chuyên ngành Hồi sức cấp cứu. Đa phần các kỹ năng về thở máy, lọc máu, HA động mạch xâm lấn... bệnh viện đã làm được thành thạo, riêng kỹ thuật ECMO thì bệnh viện đã học nhưng chưa được triển khai. Về trang thiết bị, bệnh viện hiện có 2 máy ECMO, 9 máy thở chức năng cao, 35 máy thở khác, 30 máy HFNC, 3 máy lọc máu.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hội ý trước khi bắt tay vào chuyển giao kỹ thuật.
 

Dựa trên đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị tích cực trong việc xây dựng các đơn vị hồi sức, các đơn vị điều trị để làm sao bệnh viện đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 một cách tốt nhất cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung vượt qua "cơn bão" dịch COVID-19”.

 

 
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

Sau khi khảo sát tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại BVĐK vùng Tây Nguyên, lắng nghe các chia sẻ của bệnh viện, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt làm việc này, Tổ công tác sẽ chú trọng đến hai vấn đề là chuyển giao kỹ thuật ECMO và hoàn thiện trung tâm hồi sức cấp cứu. Kỹ thuật ECMO là một trong những kỹ thuật cao, đã cứu sống được rất nhiều người bệnh. Các bệnh nhân COVID-19 cần làm ECMO không nhiều, nhưng kỹ thuật này có ý nghĩa then chốt, quyết định đem lại sự sống cho những người tưởng chừng không còn khả năng cứu chữa. Khi địa phương làm được kỹ thuật cao này thì có thể yên tâm hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Ngoài ECMO, Tổ công tác hỗ trợ BVĐK vùng Tây Nguyên xây dựng, hoàn thiện đơn vị điều trị hồi sức. Trong điều trị COVID-19, xây dựng những đơn vị hồi sức tích cực tại địa phương rất quan trọng. “Song song với việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ nhân lực, rà soát, củng cố kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ y, bác sĩ tại địa phương, Tổ công tác sẽ có kế hoạch huy động từ nhiều nguồn khác nhau để có được hệ thống trang thiết bị xây dựng đơn vị hồi sức cấp cứu, trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên” - bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4-11, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk do Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh là tổ trưởng và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế làm tổ phó cùng 5 thành viên.  Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc điều tra giám sát dịch; công tác lấy mẫu và tổ chức xét nghiệm, điều trị người bệnh COVID-19, tổ chức cách ly, xử lý môi trường y tế, truyền thông phòng, chống dịch. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

 

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.